"Có nhiều yếu tố, có thể do dịch bệnh, sự chuyển giao nhiệm kỳ, cũng có thể đến từ việc nhiều cơ quan có xu hướng chưa chú trọng về quá trình cải cách", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI nêu tại hội nghị về Nghị quyết 02 đối với phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, ngày 3/3.
Mặt khác, ông Tuấn cho rằng có xu hướng đáng lo ngại khi nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang được sửa đổi theo hướng siết chặt hơn điều kiện kinh doanh. Ví dụ, Nghị định xuất khẩu gạo đang được Bộ Công Thương đề nghị sửa theo hướng áp đặt về quy mô, kho bãi... với doanh nghiệp. Nghị định 15 về hướng dẫn an toàn thực phẩm của Bộ Y tế được sửa theo hướng trao nhiều quyền hơn cho cơ quan quản lý, chuyển nhiều quy trình từ hậu kiểm sang tiền kiểm...
Việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, giảm thiểu chi phí là một yêu cầu quan trọng để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Theo đó, trước đề xuất thu phí cảng biển của TP HCM từ 1/4, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang cảm thấy kiệt sức.
Thừa nhận xu hướng chững lại của cải cách môi trường kinh doanh từ 2020, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng nguyên nhân là do tác động của Covid-19. Theo đó, trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu của Việt Nam cải thiện chưa bền vững, có chất lượng, thứ hạng còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
Cụ thể, trong năm 2021, chỉ số đổi mới sáng tạo giảm từ bậc thứ 42 xuống 44, phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc từ thứ hạng 49 xuống 51,...
Do vậy, ông Đông cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02 vào đầu năm thể hiện thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá, cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, thậm chí có ý nghĩa nhiều hơn so với các gói hỗ trợ. Theo ông, việc ra Nghị quyết, xốc lại tinh thần cải cách lúc này là thời điểm phù hợp. Điều này khẳng định sự chùng lại thời gian qua chỉ là bất khả kháng, kéo dài trong ngắn hạn.
Ông cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi ban hành các văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung không được đặt thêm các rào cản, không đi ngược lại những cải cách đã có. Các bộ ngành, địa phương cần giải quyết, sửa đổi ngay theo thẩm quyền các vấn đề, quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông cho rằng việc cải cách thời gian đầu không nên dài trải trên mọi lĩnh vực mà cần kế thừa, tập trung vào những lĩnh vực đã có kết quả ban đầu; cần dành nguồn lực, quan tâm thích đáng để hoá giải phần nào sự kháng cự xu thế cải cách cũng như các nỗ lực đang nhen nhóm phục hồi các công cụ quản lý đã lỗi thời hay một số quyền lợi, lợi ích đã bị triệt tiêu trong quá trình cải cách trước.
Đức Minh