Quan điểm này được ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group nêu tại hội thảo nhìn lại kinh tế 2021, kịch bản 2022 ngày 10/12 khi đề cập đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp thời gian gần đây.
"Hỗ trợ thực tế nhất cho doanh nghiệp vẫn là các chính sách tốt, còn tiền chỉ là phần nhỏ", ông nhấn mạnh.
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp đã chứng kiến nhiều chính sách phức tạp, cái sau chồng lên cái trước. Ở vai trò là Chủ tịch của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, ông cho biết đã nhận được nhiều phản hồi của doanh nghiệp như "Luật với quy định cái nào tính pháp lý lớn hơn? Luật trước cho đầu tư, sau đó, khi sửa đổi thì truy cứu, truy thu lại dự án, vậy phải làm như thế nào...".
Những điều này khiến cho doanh nghiệp rất bức xúc mà như ông Thắng kể, ngay bản thân ông cũng từng "có lúc nản đến muốn đóng cửa công ty".
Bên cạnh tính chồng chéo của luật, ông Thắng cho rằng một số quy định hiện nay cũng chưa phù hợp. Đơn cử như việc khống chế lãi vay trong giao dịch liên kết không được quá 25% vốn điều lệ. Bởi doanh nghiệp Việt Nam đa phần nhỏ và vừa, không có nhiều tiềm lực, nên quy định này khiến họ không xoay được nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh. "Cơ chế chính sách cần được tháo gỡ hợp lý hơn", ông nói.
Theo ông Thắng, trong bối cảnh ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ cần cân nhắc việc dùng tiền để hỗ trợ. "Nên dùng chính sách vì nó sẽ giải quyết được rất nhiều thứ cho doanh nghiệp trong giảm chi phí, giá thành sản xuất...", ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM đã chỉ ra nhiều số liệu tích cực về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.
Như với điều hành tín dụng, đến giữa tháng 11, chỉ số này đã tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng tương đối cao. Tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,2%, xuất khẩu là 8,9%, nông nghiệp nông thôn là 9,2%. Việt Nam cũng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho 500.000 khách hàng, tương đương 260.000 tỷ đồng dư nợ; miễn giảm 118.760 tỷ đồng tiền thuế phí, lệ phí, thuê đất...
"Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều tranh luận trong thời gian qua về chính sách hỗ trợ", ông Dương nói. Ở góc độ của CIEM, cơ quan này tập trung song song chính sách tài khoá tiền tệ và thể chế.
Bởi hỗ trợ về tài khoá tiền tệ sẽ quan trọng ở việc giúp khơi thông nguồn lực, lưu chuyển của dòng tiền. Đặc biệt, các chính sách này cũng thể hiện sự sẵn sàng của Nhà nước trong đồng hành với doanh nghiệp cùng tạo cầu, thúc đẩy sự vận hành lưu thông hàng hoá.
Với gói hỗ trợ về thể chế - đây là những chính sách mà Nhà nước có thể sử dụng ngay cả khi ngân sách bị hạn chế.
"Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cũng cần phải hiểu đến những yếu tố bên ngoài có thể khiến việc đặt ra chính sách và thực hiện nó nhiều chừng mực bị chậm", ông Dương nói. Ví dụ, tại hội nghị Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp năm ngoái, đã có đề xuất về điều chỉnh giảm tỷ giá, nhưng bối cảnh lúc đó là phía Mỹ đang lưu tâm đến vấn đề tiền tệ.
Bên cạnh đó, gói chính sách này còn cần được chú ý về thời điểm hỗ trợ. "Nếu thị trường chưa có đầu ra, doanh nghiệp có vay vốn và được hỗ trợ của nhà nước cũng khó tổ chức sản xuất được", ông nói.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý về vấn đề liều lượng của các gói chính sách bởi trong tình hình nhiều bất định, nếu không cân nhắc được quy mô, dư địa hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể không còn khi tình hình khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) trong tháng 7 cũng cho thấy, kỳ vọng về các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp đã giảm.
Điều này theo Ban IV, xuất phát từ cách thiết kế và thực thi chính sách chưa sát với thực tiễn. Do đó, đối với các chính sách hỗ trợ sắp tới, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực.
Đức Minh