Al Capone, tên trùm buôn lậu khét tiếng ở Chicago, kẻ lừa đảo, kẻ thù công khai số một của Mỹ, sở hữu dàn xe hơi nổi tiếng trong suốt "nghiệp" giang hồ. Băng nhóm tội phạm dưới sự điều hành của Al Capone đã tạo ra "kỷ nguyên tội phạm đẫm máu nhất" trong lịch sử Mỹ.
Trong thế giới tội phạm có tổ chức, ông ta được được biết đến là kẻ máu lạnh "không mấy ai sánh bằng". Thập kỷ 1920, 1930, Al Capone gây chấn động thành phố Chicago và cảnh sát toàn quốc với các vụ đánh bom, cướp bóc, cờ bạc, mại dâm và các hoạt động tội phạm khác.
Al Capone có niềm đam mê "độ" xe hơi, không chỉ là vui thú đơn thuần mà còn để bảo vệ sinh mạng khi là mục tiêu hạ sát số một của nhiều băng nhóm đối thủ.
Tiêu biểu trong số này là vụ thoát chết trong gang tấc sau cuộc rượt đuổi của 8 xe đối thủ ở Cicero (bang Illinois) với hơn 1.000 viên đạn được hai bên bắn ra. Ông trùm biết rằng tử thần sẽ không "nương tay" thêm một lần nữa, do đó quyết định tự bảo vệ mình trước súng đạn kẻ thù.
Bước đầu tiên, Al Capone đầu tư hai chiếc Cadillac bọc thép. Chiếc đầu tiên, được yêu thích nhất, là Cadillac 341A đời năm 1928, 5 chỗ.
Với động cơ 90 mã lực, chiếc xe nặng 3,5 tấn có thể vọt lên tốc độ 110 km/h chỉ trong vài giây. Nó được giới mafia Chicago mệnh danh là "chiến mã tử thần", "pháo đài di động", giúp ông trùm thoát thân trong vô số cuộc rượt đuổi, ám sát.
Dù Cadillac 341A bóng loáng và hầm hố mang đến sự sang trọng và hiệu suất cao, Al Capone vẫn chưa hài lòng, tiếp tục yêu cầu "độ" thêm một loạt chi tiết để tăng cường sự bảo vệ. Các cánh cửa được gia cố và mạ lớp thép tráng dày gần một cm. Các cửa sổ bên hông được lắp lò xo và có kính nhiều lớp dày gần 13 cm khiến riêng cửa nặng tới 70 kg.
Các cửa đều khoét lỗ tròn để "thông gió". Nhưng công dụng chính của lỗ này là để thò các khẩu súng máy bắn ra ngoài. Một cửa sổ mở thêm ở phía sau hàng ghế cuối sẽ giúp người ở ghế sau có thể ngắm bắn dễ dàng hơn vào những kẻ truy đuổi. Chiếc xe được sơn màu xanh lá cây và đen giống như xe cảnh sát Chicago thời đó, cũng gắn còi báo động.
Al Capone hài lòng khi chiếc 341 có diện mạo mới nhưng muốn bổ sung một chiếc Cadillac khác vào đội xe bọc thép của mình. Vì vậy, năm 1930, ông ta mua chiếc Series 452 Imperial Sedan. Giống như 341, nó được mạ thép dày gần một cm, các cửa sổ lắp thêm hệ thống "lỗ thông gió".
Chi phí "độ" chiếc Imperial Sedan được cho là có giá 30.000 USD, tương đương 450.000 USD ngày nay. Nhưng Al Capone phải vào tù trước khi được ngồi trên chiếc xe thứ 2 này.
Khi Al Capone bắt đầu thụ án 11 năm tù vì tội Trốn thuế vào năm 1931, chiếc Cadillac 341 được bán cho một đại lý ôtô ở Chicago, sau đó người mua vận chuyển đến châu Âu để phục vụ cho việc hút khách tại một công viên giải trí ở London.
Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, chiếc xe liên tục đổi chủ trước khi quay trở lại Mỹ quảng bá cho bộ phim Capone, ra mắt năm 1975 ở Chicago. Năm 2013, chiếc 341 được bán đấu giá với giá 341.000 USD.
Năm 2006, nó tiếp tục được bán đấu giá 621.500 USD. Tháng 2/2020, xe một lần nữa được đưa ra bán đấu giá nhưng không đạt được mức giá chào bán một triệu USD. Theo đồng hồ công tơ mét, xe mới chỉ đi 1.800 km. Hiện, nó là chiếc Cadillac cổ điển đắt nhất, có ý nghĩa lịch sử nhất hiện nay.
Chiếc Imperial Sedan bọc thép của Al Capone còn tồn tại cho đến ngày nay trong một bộ sưu tập tư nhân. Bị FBI thu từ nhà nghỉ ở Miami của Al Capone, chiếc Imperial Sedan được coi là tang vật trong vài năm. Sau nhiều lần qua tay, xe được bán đấu giá với mức 309.000 USD vào năm 2009.
Một câu chuyện về việc sử dụng nó được lưu truyền vài năm sau đó khi người ta cho rằng xe đã được Tổng thống Franklin D Roosevelt (FDR) sử dụng một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng, hôm 7/12/1941. Các nhân viên mật vụ Mỹ được cho là không biết làm cách nào để vận chuyển ông một cách an toàn trong quãng đường ngắn từ Nhà Trắng đến Đồi Capitol vào ngày hôm sau.
Không có áo giáp mạ hoặc chống đạn phù hợp cho Tổng thống, các mật vụ quyết định sử dụng chiếc Cadillac bọc thép của Al Capone. Xe được chuyển đến bãi đậu xe của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, một trong những người thuộc Cơ quan Mật vụ sau đó đã phủ nhận thông tin này, cho rằng đó là chiêu trò của nhãn hàng.
Cả đời "làm mưa gió", Al Capone ra tù vào tháng 11/1946 sau khi thụ án được 7 năm trong tình trạng ốm yếu mắc bệnh giang mai, nhận thức như đứa trẻ 12 tuổi, không thể nhớ bất kỳ câu chuyện nào về cuộc đời hay tài sản của mình. Ông trùm mất vì đột quỵ vào ngày 25/1/1947 ở tuổi 48.