Mụn trứng cá là bệnh da phổ biến của thanh thiếu niên, chiếm đến 85% ở nhóm tuổi này và rất thường gặp tại các phòng khám chuyên khoa da. Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng làm người bệnh mặc cảm, mất tự tin và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống.
Theo các bác sĩ bệnh viện Da liễu TP HCM, hằng năm có khoảng 80-90 nghìn lượt người đến khám mụn trứng cá tại bệnh viện, chiếm tỷ lệ cao thứ 2 chỉ sau nhóm bệnh chàm.
Có 4 yếu tố quan trọng hình thành nên mụn là sự tăng sản xuất chất bã nhờn, tăng sừng hóa nang lông, hoạt động của vi khuẩn, quá trình viêm. Mụn trứng cá xuất hiện ở những vùng cơ thể chứa nhiều tuyến bã như mặt, cổ, ngực, lưng trên, vai, cánh tay và mông.
Thương tổn mụn trứng cá có thể chia thành 2 nhóm chính là mụn không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen) và mụn viêm (sẩn, mụn mủ, nang, nốt):
- Mụn đầu đen hình thành khi chất bã nhờn và tế bào chết làm tắc lỗ nang lông nhưng bề mặt da hở nên nhân mụn bị không khí oxy hóa tạo màu đen. Nhìn vào nang lông thấy màu đen nên gọi là mụn đầu đen hay "nhân mở".
- Mụn đầu trắng hình thành khi có quá nhiều chất dầu và tế bào chết gây bít tắc lỗ nang lông và không hở ra da, nên còn gọi là "nhân đóng".
- Vi khuẩn gây mụn thường trú trên da khi gặp điều kiện thuận lợi có chất bã nhờn sẽ "sinh sôi nảy nở". Vi khuẩn nhân lên trong nang lông bị bít tắc làm cho nang lông viêm nhiều với biểu hiện là mụn trở nên nóng, đỏ, sưng. Khi mụn viêm sâu đi xuống da sẽ hình thành nên các mụn nang, nốt. Đây là những mụn nặng nhất, gây đau đớn và khi lành để lại sẹo xấu.
Dựa vào những thương tổn này, người ta phân loại mụn trứng cá thành 3 mức độ nhẹ, nặng và trung bình. Mụn trứng cá nhẹ thương tổn là một vài mụn đầu trắng, mụn đầu đen. Mụn trứng cá trung bình, thương tổn gồm nhiều mụn đầu trắng, mụn đầu đen đồng thời có thêm sẩn, mụn mủ. Mụn trứng cá nặng thương tổn gồm nhiều mụn mủ, nang, nốt, sẹo.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà có hướng điều trị thích hợp:
Mụn trứng cá nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách:
- Rửa nhẹ nhàng vùng mụn bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ 2 lần mỗi ngày để loại bỏ tế bào chết và chất bã nhờn.
- Dùng một loại thuốc bôi điều trị mụn không kê toa chứa benzoyl peroxide hay salicylic acid.
- Điều trị mụn tại nhà cần 4-8 tuần mới thấy có kết quả giảm mụn. Ngay khi đã sạch mụn vẫn cần tiếp tục điều trị để phòng ngừa mụn mới xuất hiện. Nếu mụn vẫn không đáp ứng điều trị cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để có biện pháp phù hợp hơn. Ở những trường hợp này có thể phải điều trị kết hợp hai hay nhiều loại thuốc ví dụ giữa kháng sinh và retinoid tại chỗ...
Mụn trứng cá trung bình cần điều trị kết hợp 2 hay nhiều phương pháp là phương pháp vật lý, điều trị bằng ánh sáng và phương pháp thuốc kê toa như retinoids bôi, kháng sinh bôi hoặc uống, thuốc ngừa thai uống... theo sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Bác sĩ thường khuyên điều trị sớm mụn trứng cá trung bình vì nếu không sẽ hình thành sẹo.
Mụn trứng cá nặng cần phải được chỉ định điều trị tích cực và được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các phương pháp điều trị dành cho thể mụn này gồm có
- Tiểu phẫu và dẫn lưu những nang mụn to, sâu dưới da.
- Tiêm corticoid vào trong thương tổn khi các nang mụn trở nên viêm nhiều.
- Isotretinoin sử dụng trong trường hợp mụn nang và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Kháng sinh uống.
- Thuốc ngừa thai dạng viên uống.
Đa số các trường hợp mụn trứng cá đáp ứng chậm với điều trị, thường cần khoảng 6-8 tuần mới bắt đầu thấy hiệu quả và tổng thời gian điều trị có thể kéo dài nhiều tháng. Sau thời gian điều trị tấn công làm cho mụn hết, cần phải chuyển sang điều trị duy trì để tránh tái phát. Do vậy, người bệnh cần kiên nhẫn và tuân thủ điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, không nên tự mua thuốc điều trị hoặc nghe người khác mách bảo về một phương pháp hiệu quả nào đó vì một cách điều trị có thể tốt cho người này nhưng không tốt cho người khác. Không vì nóng lòng muốn khỏi bệnh nhanh mà nghe lời dùng những cách điều trị không đúng.
Lê Phương