Nhiều năm làm việc tại Mỹ, bà Trần Phương Hoa, Sáng lập viên và Giám đốc tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn Du học quốc tế, cho biết học sinh lớp 12 ở đây không phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp tập trung. Khi hoàn thành chương trình lớp 12, các em được tính tốt nghiệp phổ thông.
Với những học sinh lựa chọn hình thức "home school" (tự học tại nhà) hay vì lý do nào đó khiến việc học bị gián đoạn, các em có thể đăng ký dự thi GED (General Educational Development) để tốt nghiệp. Kỳ thi này gồm 5 môn, kết quả có thể dùng để làm căn cứ xét đại học. Hiện, toàn nước Mỹ có trên 3.000 điểm thi GED với thời gian tổ chức linh hoạt, thuận tiện cho thí sinh.
Mỗi đại học Mỹ, gồm cả trường công và tư, đều tự chủ chỉ tiêu, cách thức và yêu cầu tuyển sinh để phù hợp với mục tiêu phát triển, nguồn lực của mình. Cũng như thi tốt nghiệp, Mỹ không tổ chức một kỳ thi đại học chung toàn bang hay cả nước mà các trường sẽ chủ động xét tuyển.
Đại học có thể tuyển sinh 1-2 lần trong năm với kỳ mùa thu (bắt đầu vào tháng 8 hoặc 9) và kỳ mùa xuân (tháng 1 hoặc 2). Thậm chí, nhiều trường còn tuyển sinh "rolling", tức là tuyển đến khi đủ chỉ tiêu.
Các trường dùng hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến, trong đó phổ biến nhất là Common Application với khoảng 900 trường tham gia với hơn một triệu học sinh nộp hồ sơ mỗi năm, kế đó là Coalition khoảng 150 trường. Nhiều trường khác có hệ thống nộp hồ sơ riêng như hai đại học California, Texas.
Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, các trường thường yêu cầu học sinh nộp bảng điểm kết quả học tập bốn năm 9, 10, 11 và 12, thư giới thiệu của giáo viên, điểm SAT hoặc ACT, bài luận và phỏng vấn. Tuỳ trường và hoàn cảnh cụ thể, những yêu cầu này có thể được bỏ bớt hoặc bổ sung điều kiện chi tiết hơn. Học sinh quốc tế muốn nộp hồ sơ vào đại học Mỹ cần thêm chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL để chứng minh năng lực tiếng Anh.
Với kinh nghiệm 15 năm làm tư vấn du học Mỹ, bà Hoa cho rằng ưu điểm lớn nhất trong cách tuyển sinh đại học tại đây là tính linh hoạt, thuận tiện cho cả người học và nhà trường. Học sinh có thể gửi hồ sơ trực tuyến cùng lúc tới hàng chục trường trong một kỳ tuyển sinh, hạn chế rủi ro, sau đó chọn trường có yêu cầu, tiêu chí xét tuyển phù hợp với mình.
Cũng như Mỹ, Canada không tổ chức thi tuyển đại học. Giáo sư Nguyễn Trí Phương, Đại học Quebec, Canada, cho biết chỉ một vài trường top xét hồ sơ, còn lại không đặt quá nhiều yêu cầu bắt buộc, ngặt nghèo với thí sinh, "hầu như bạn nào muốn vào là được".
Theo giáo sư Phương, một số lý do khiến Canada không thi tuyển đại học là khả năng xin việc, thu nhập của những ứng viên có và không tốt nghiệp đại học không chênh lệch nhiều. Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng hay trường nghề dễ xin việc hơn.
Cùng với đó, các trường tại Canada đào tạo theo mô hình chóp nón, vào dễ nhưng ra khó. Nếu không học nghiêm túc và xác định mình thực sự cần tấm bằng đại học, sinh viên rất khó tốt nghiệp. Ngoài ra, văn hóa Canada cũng góp phần tác động đến quan điểm người dân, rằng đỗ đại học không phải tất cả. Việc vào đại học của con cái không phải sự tự hào cho bố mẹ hoặc gia đình.
Trước ý kiến Việt Nam nên học hỏi vá áp dụng cách tuyển sinh như các nước phương Tây, giáo sư Phương cho rằng việc này chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại vì chất lượng giáo dục Việt Nam chưa đồng đều. Chẳng hạn, nếu chỉ xét học bạ trong ba năm, học sinh và gia đình có thể tận dụng quan hệ cá nhân, khiến thành tích đạt được không hoàn toàn nhờ thực lực. Việc này sẽ làm mất suất của những học sinh đủ khả năng.
Thanh Hằng