Bằng Y khoa ở Mỹ và Canada tương đương với bằng cao học, do vậy sinh viên phải có bằng cử nhân trước khi nộp hồ sơ xin vào trường y. Quá trình này rất dài, tổng cộng từ 11 đến 18 năm, từ lúc bắt đầu học cử nhân cho đến khi có chứng chỉ hành nghề bác sĩ Y khoa ở Mỹ. Sinh viên cũng tốn rất nhiều công sức, tiền học (trung bình 50.000-90.000 USD một năm) và rất khó xin học bổng.
Hầu hết sinh viên Mỹ phải vay tiền của chính phủ để học và trả dần vào lương sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, bạn cần cân nhắc để chắc chắn rằng bạn hoặc con bạn phải thực sự đam mê, yêu thích nghề bác sĩ thì hãy theo.
Các loại bằng cấp y khoa ở Mỹ
Có hai loại bằng cấp y khoa được cấp chính thức ở Mỹ là MD (Doctor of Medicine) & DO (Doctor of Osteopathy). Cả hai bằng đều được phép hành nghề tương đương nhau về mặt luật pháp, nhưng đầu vào của MD hiện nay hơi khó hơn so với DO.
Theo website của Hiệp hội các trường Y khoa của Mỹ (Association of American Medical Schools - AAMC), hiện tại ở Mỹ và Canada có 171 trường đào tạo Y khoa, trong đó 141 trường đào tạo bằng MD, 30 trường đào tạo bằng DO. Mỗi trường có thời hạn nộp hồ sơ khác nhau và không phải trường nào cũng nhận sinh viên quốc tế nên các bạn cần tham khảo thông tin của trường trên AAMC trước khi nộp hồ sơ.
Ba giai đoạn chính đào tạo bác sĩ ở Mỹ
Giai đoạn 1: 4 năm đại học hay còn gọi là dự bị y khoa để chuẩn bị kiến thức, bằng cấp và các điểm thi cần thiết cho việc nộp hồ sơ vào trường y.
Bạn có thể chọn chuyên ngành đại học là các môn khoa học cơ bản như sinh học, hóa học, sinh hóa, vi sinh, vật lý... đều phù hợp, đồng thời chọn tập trung vào hướng y khoa sau khi tốt nghiệp (Pre-Medical track).
Bạn nên đến trung tâm chuyên hỗ trợ việc nộp hồ sơ vào trường y (Pre-Health Center) từ năm thứ nhất hoặc năm thứ hai hoặc ngay khi có quyết định sẽ thi vào trường y sau khi tốt nghiệp, để Pre-medical Advisor tư vấn cho bạn cần chuẩn bị gì nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Họ có thể viết thư giới thiệu cho bạn sau này.
Ứng viên hãy cố gắng đạt điểm tổng kết (GPA) cao từ 3.5 đến 4.0 (thang điểm của Mỹ), nhất là các môn khoa học tự nhiên và xã hội cơ bản như sinh học, hóa học, sinh hóa, vật lý, tâm lý học, xã hội học, toán thống kê..., là những môn rất quan trọng khi xét vào trường y.
Giai đoạn 2: 4 năm trường y
Trong 2 năm đầu ở trường y, bạn sẽ học trên lớp về những môn khoa học tự nhiên và xã hội cơ bản, nhưng học sâu hơn và rộng hơn so với bậc đại học.
Trong 2 năm cuối, sinh viên sẽ tập trung vào thực hành tại các phòng khám, bệnh viện, được hướng dẫn thực tập trên bệnh nhân thật. Thường là vào năm thứ 4, sinh viên y khoa sẽ phải chọn chuyên khoa mình muốn theo và chuẩn bị hồ sơ, đi phỏng vấn cho giai đoạn bác sĩ nội trú.
Giai đoạn 3: Thực tập bác sĩ nội trú là giai đoạn cực kỳ quan trọng và bắt buộc để được cấp giấy phép hành nghề bác sĩ ở Mỹ. Giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 7 năm, tùy theo chuyên ngành. Bác sĩ nội trú sẽ khám trực tiếp cho bệnh nhân, nhưng làm việc dưới sự giám sát của bác sĩ điểu trị và được trả lương.
Sau 3-7 năm, bạn sẽ thi chuyên khoa trong khoa mà mình làm nội trú, ví dụ đi bác sĩ nhi sẽ được cấp bằng chứng nhận chuyên khoa nhi của khoa nhi. Sau đó bạn có thể đi sâu hơn nữa vào chuyên khoa hẹp, ví dụ trong chuyên khoa nội sẽ đi sâu hơn nữa về chuyên khoa tim và tiếp tục thực tập 2-3 năm cho chuyên khoa hẹp này. Học xong, bạn sẽ được thêm một chứng nhận cho chuyên khoa sâu hơn.
Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Mỹ vẫn phải tiếp tục học cho đến hết đời bằng cách thi để giữ bằng hành nghề và bằng chuyên khoa mỗi 5 đến 10 năm.
Các bước chuẩn bị để nộp hồ sơ vào trường y
Đến năm 3 hoặc 4 của bậc đại học, sinh viên bắt đầu luyện thi MCAT (Medical College Admission Test). Điểm MCAT rất quan trọng và cạnh tranh để trường y quyết định có nhận bạn vào hay không. Tham khảo nội dung và đăng ký thi MCAT trên website chính thức của AAMC.
Cuối năm 3 hoặc đầu năm thứ 4 bạn sẽ nộp hồ sơ vào trường y, thời gian tùy theo trường. Bạn cần chuẩn bị hai thư giới thiệu của giáo sư hoặc bác sĩ mình từng thực tập; viết bài luận giải thích vì sao muốn trở thành bác sĩ, để cho thấy đó thực sự là ước mơ đam mê lớn của bạn thể hiện qua các kinh nghiệm nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa để chuẩn bị cho nghề nghiệp bác sĩ sau này.
Nếu hồ sơ của bạn đủ mạnh và cạnh tranh thì sẽ được chọn vào vòng phỏng vấn. Nếu thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn, bạn sẽ được nhận vào trường y để trở thành sinh viên y khoa.
Các yếu tố quan trọng để hồ sơ của bạn được vào vòng phỏng vấn gồm: Điểm thi MCAT cao; điểm GPA cao ít nhất là 3.5/4.0 (nhất là điểm các môn khoa học), kinh nghiệm nghiên cứu, các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến ngành y như: volunteer/tình nguyện làm việc/thực tập tại các phòng khám, bệnh viện, hội chữ thập đỏ (Red Cross) vào mùa hè hoặc bán thời gian trong năm học.
Bí quyết để thành công trong buổi phỏng vấn: Đầu tiên bạn tự giới thiệu ngắn gọn về mình trong khoảng 2 phút và làm nổi bật những điểm đặc biệt hay thế mạnh của mình. Thứ hai, bạn trả lời câu hỏi nhất quán với những gì trình bày trong CV và hồ sơ. Thứ ba, ngôn ngữ hình thể lịch sự, đúng mực cần có của một bác sĩ khi tiếp xúc với bệnh nhân. Cuối buổi bạn sẽ được đặt câu hỏi cho giáo sư phỏng vấn, vì vậy cần tận dụng cơ hội này để đặt câu hỏi thông minh về chương trình học, làm cho người phỏng vấn có ấn tượng tích cực về bạn.
Để đặt câu hỏi hay, bạn cần tìm hiểu kỹ về trường và không hỏi những câu mà câu trả lời dễ dàng tìm thấy trên mạng. Cách bạn đặt câu hỏi hay có thể tạo ấn tượng với người phỏng vấn và làm cho họ nhớ bạn, ví dụ: Dr. X, vì sao bác sĩ lại chọn công tác và giảng dạy ở đây? Điểm gì bác sĩ thích nhất và không thích ở trường này?
Sau buổi phỏng vấn, bạn nhớ cảm ơn, bắt tay tạm biệt và về nhà viết ngay email hoặc thư cảm ơn trực tiếp đến người phỏng vấn bạn ngày hôm đó.
Chúc các bạn chuẩn bị thật tốt và kỹ càng để tăng cường khả năng cạnh tranh, xin được vào các trường y khoa ở Mỹ, hoặc Canada thành công.
TS Ellie Phương D. Nguyễn
Giáo sư bậc 1 Khoa Sinh hóa & Sinh học Phân tử
Đại học bang Oklahoma tại Stillwater
Cùng tác giả: