Chào bác sĩ. Em là nam, 24 tuổi, cao 1,8 m, nặng 65 kg. Công việc hiện tại của em liên quan tới Internet, thường xuyên thức trắng đêm và ngủ vào chiều hôm sau. Trên lưng em nổi khá nhiều mụn. Phần da ở lưng và vai khi tắm xong lau khô người thì bị bong tróc ra như lột vậy, trông rất xấu và khó chịu. Mong mọi người và chuyên gia cho em lời khuyên. Em xin cảm ơn. (tranthu19290).
Trả lời:
Chào bạn,
Theo tôi, trường hợp của bạn có 2 tình huống:
Thứ nhất, nếu bạn quan sát thấy vùng da mặt bị nhờn nhiều, sần sùi, lỗ chân lông to, lộm cộm những cồi mụn hay ống tuyến chứa chất bã nhờn đầy bên trong, vùng da lưng và tay cũng bị khá nhiều mụn. Như vậy bạn là bị mụn trứng cá nặng. Theo thống kê trong dân số chung, tỷ lệ nam giới bị mụn trứng cá nặng thường gặp hơn nữ. Việc điều trị đôi lúc khó khăn phải dùng đến thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
Thứ hai, da của nam giới thường nhờn hơn nữ do ảnh hưởng của nội tiết tố nam. Đây là một trong những yếu tố gây mụn trứng cá. Trong trường hợp của bạn, nếu da mặt chỉ bị hơi nhờn, những nốt mụn sưng viêm đỏ tại nang lông vùng lưng và vai thì có thể bạn bị viêm nang lông.
Viêm nang lông kéo dài tái đi tái lại muốn chữa khỏi phải xem lại toàn cục bệnh cảnh. Tình trạng này cũng có thể có liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt... Chẳng hạn bạn thường xuyên phải thức trắng đêm, đây được xem là một trong những yếu tố gây ra mụn bởi vào khoảng thời gian này nội tiết tố sẽ gây tăng tiết chất nhờn làm cho mụn càng nặng và khó điều trị hơn. Nếu có thể, bạn nên điều chỉnh công việc chuyển dần qua ban ngày cho nhịp ngủ đúng vào nhịp sinh học thì tốt hơn là ngủ bù vào chiều hôm sau.
Viêm nang lông ở nam giới tái đi tái lại có thể liên quan đến những vấn đề khác, ví dụ như bị viêm nang lông do thói quen đi tắm hồ bơi hoặc chế độ ăn uống nhiều đường và chất béo. Viêm cũng có thể do các vi khuẩn khác chứ không chỉ do vi khuẩn gây mụn trứng cá, do đó nếu bạn chỉ bôi thuốc hay điều trị theo cách chữa mụn trứng cá sẽ không hết hẳn.
Trước mắt, việc bạn nên làm là đến một cơ sở chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chắc chắn đây là bệnh lý gì để có liệu trình điều trị và dùng thuốc phù hợp. Bạn cũng nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt của mình sao cho phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra cần điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen hàng ngày, ví dụ như tắm không được chà mạnh trên da hay ngâm mình trong nước lâu.
Thân ái.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh
Phòng khám Chăm sóc da
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM