Từ Berlin đến Budapest, Amsterdam đến Athens, cả châu Âu rơi vào tình trạng hoảng loạn, chìm trong làn sóng Covid-19 mới. Lục địa ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm và 28.000 trường hợp tử vong trong trung tuần tháng 11. Nhiều quốc gia có số bệnh nhân cao chưa từng thấy. Châu Âu hiện là tâm dịch mới toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các nước chạy đua để ngăn chặn một đợt bùng phát mạnh hơn trước kỳ nghỉ lễ. Hôm 15/11, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg áp lệnh phong tỏa với người chưa tiêm chủng, chỉ cho phép họ rời khỏi nhà để đi làm và mua nhu yếu phẩm. Đan Mạch yêu cầu sử dụng lại hộ chiếu vaccine. Hà Lan đóng cửa các quán bar và nhà hàng lúc 8h tối. Thủ tướng Đức Angela Merkel nỗ lực yêu cầu 32% dân số đủ điều kiện còn lại tiêm chủng, bắt buộc đeo khẩu trang ở trường học, xem xét phong tỏa hoặc xét nghiệm PCR cho người dân trước khi đi xe bus.
Với tỷ lệ tiêm chủng thấp (từ 20% đến hơn 30%), các nước Đông Âu như Bulgaria và Romania quay cuồng trong làn sóng lây nhiễm mới, các bệnh viện và nhà xác quá tải. Người dân do dự với vaccine, mùa đông đến, trường học mở cửa trở lại, hiệu quả vaccine giảm cộng thêm việc nới hạn chế, tất cả đủ để tạo ra làn sóng Covid-19 thứ 4, thứ 5 hoặc thứ 6, tùy cách tính của từng chuyên gia.
Tiến sĩ Richard Pebody, người đứng đầu Ban tác nhân dịch bệnh của WHO, chi nhánh châu Âu, nói: "Chúng ta còn chặng đường đầy chông gai phía trước, không thể mất cảnh giác".
Trong khi hầu hết các nước châu Âu hứng bão Covid-19, tại Tây Ban Nha, cuộc sống tiếp diễn tốt đẹp như chưa từng có đại dịch. Đám đông say sưa tụ tập tại các quán bar sân thượng, uống rượu sangria và ăn tapas vào ban đêm. Câu lạc bộ mở cửa trở lại, người dân vui đùa trong các bữa tiệc bên bờ biển và tham gia lễ hội rượu vang. Khác với nhiều quốc gia Tây Âu, Tây Ban Nha không yêu cầu sử dụng hộ chiếu vaccine.
Nguyên nhân chính khiến dịch bệnh tại nước này suy yếu, đi ngược xu hướng Covid-19 của toàn lục địa là số người tiêm chủng cực cao, theo tiến sĩ Daniel Lopez-Acuña, nguyên Giám đốc Khủng hoảng Y tế của WHO. Gần 90% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm chủng.
Chính phủ thiết lập phòng tiêm ở những địa điểm tiện lợi nhất đối với khách du lịch như khu nghỉ mát Benidorm - nổi tiếng với cuộc sống về đêm sôi động. Tại các phòng khám gần khách sạn, người dân xếp hàng dài trước cửa một điểm tiêm chủng lưu động.
"Tôi nghĩ điều này cho thấy thông điệp về sự an toàn. Chúng tôi muốn mở rộng dịch vụ này cho khách du lịch", Antonio Perez, Thị trưởng Benidorm, nói.
Tây Ban Nha cũng chưa từng bỏ qua các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang trong nhà, không giống với nhiều nơi tại châu Âu. Chính quyền vẫn hạn chế sĩ số các lớp học, yêu cầu học sinh đeo khẩu trang tại trường.
Sau hơn một năm đóng cửa, các hộp đêm đến tháng 10 mới mở lại. Chính phủ yêu cầu người đi bộ đeo khẩu trang dù ở ngoài trời cho đến tháng 6. Hầu hết người Tây Ban Nha tự ý thức về việc phòng chống Covid-19, chấp nhận giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang trong nhà.
Chiến lược này cuối cùng giúp quốc gia gặt quả ngọt. "Tây Ban Nha đang ứng phó cực tốt so với những nước khác", Lopez-Acuña nói.
"Chúng ta nên cố gắng học hỏi từ thành công của Tây Ban Nha", ông Pebody nhận định. Ông lưu ý quốc gia láng giềng là Bồ Đào Nha, nơi 87% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccine, cũng cho thấy tín hiệu tích cực.
Tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia miễn dịch, Hiệu trưởng trường Y học Nhiệt đới Quốc gia, Đại học Y Baylor, cho biết làn sóng dịch bệnh tại châu Âu có thể là kịch bản sắp tới tại các điểm du lịch ở Mỹ. Ông nhận định nước này "gần như chắc chắn trải qua đợt bùng phát tương tự trong Lễ Tạ ơn và Giáng sinh".
Theo ông Hotez, để ngăn chặn điều này, ít nhất 85% dân số cần tiêm chủng đầy đủ. "Tiêm chủng đầy đủ hiện nay có nghĩa là tiêm ba liều Moderna, Pfizer hoặc hai liều Johnson & Johnson", ông nói thêm. Cho đến khi đạt được mốc này, ông khuyến nghị người dân đeo khẩu trang trong nhà, tại nơi công cộng - điều còn gây tranh cãi ở Mỹ.
Hàng loạt nước Tây Âu đã tiêm liều vaccine tăng cường (booster). Chuyên gia vẫn tranh luận nên tiêm tăng cường cho toàn bộ dân số hay chỉ những người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch. Tây Ban Nha và nhiều nước lựa chọn phương án thứ hai, chỉ cung cấp vaccine cho người suy giảm miễn dịch và từ 70 tuổi trở lên.
Ông Hotez cho rằng Tây Ban Nha cần tiêm tăng cường cho toàn bộ dân số nếu muốn duy trì vị thế hiện tại trong cuộc chiến chống Covid-19 (là quốc gia hiếm hoi không phải áp đặt lại lệnh hạn chế). Tiến sĩ Salvador Macip, nhà sinh vật học tại Đại học Leicester, Anh, nhận định tương tự. Theo ông, Tây Ban Nha không thể duy trì tình trạng khả quan hiện tại trong thời gian dài.
Ông Macip tin rằng việc tiêm chủng, biện pháp phòng ngừa và thời tiết Địa Trung Hải chỉ giúp trì hoãn đợt dịch tiếp theo. Ông đặc biệt lo ngại khi khách du lịch di chuyển khắp đất nước, trong đó có cả những người chưa tiêm phòng từ khắp châu Âu. Lý do là bởi nước này bỏ hộ chiếu vaccine và cả quy định test PCR cho người nhập cảnh. Thực tế, Tây Ban Nha trở thành điểm đến lý tưởng cho những người Pháp không muốn tiêm chủng.
Tuy nhiên, tiến sĩ Pebody thừa nhận tình hình hiện tại tốt hơn nhiều so với đầu năm 2020, khi Covid-19 khởi phát. Ông chỉ ra rằng rất nhiều người trên thế giới đã tiêm phòng, lượng bệnh nhân nhập viện và tử vong giảm. Cộng đồng ý thức rõ hơn cách giảm lây nhiễm và giữ an toàn cho bản thân, họ học cách thích nghi và sống chung với virus. Ông cho rằng đây là tín hiệu tốt, vì virus sẽ rình rập nhiều năm tới.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, các bữa tiệc vẫn tiếp diễn, ít nhất là tuần này.
Thục Linh (Theo Yahoo News, Reuters)