Theo WHO, số ca tử vong vì Covid-19 tuần qua tăng 10% ở khắp châu Âu. Đây cũng là khu vực duy nhất trên toàn cầu báo cáo cả ca nhiễm và tử vong cao hơn trước đây. Hans Kluge, Giám đốc WHO châu Âu, tuần trước cảnh báo nếu chính phủ các nước không nhanh chóng hành động để ngăn chặn virus lây lan, khu vực có thể ghi nhận thêm 500.000 người chết vào tháng 2/2022.
Dù tỷ lệ phủ vaccine cao, các quốc gia từ Đức đến Hy Lạp báo cáo số ca nhiễm tăng kỷ lục trong những ngày gần đây. Trong khi đó, lượng người tử vong ở Romania và Bulgaria cao đến đáng ngại, khiến các bệnh viện quá tải.
Trong bối cảnh đó, chương trình tiêm chủng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính phủ các nước phải thuyết phục hàng triệu người nhận liều vaccine đầu tiên và chuẩn bị tiêm liều thứ ba cho hàng trăm triệu người khác.
Tại Đức, làn sóng Covid-19 thứ 4 càn quét nghiêm trọng. Số ca nhiễm cao kỷ lục trong tuần này. Bệnh viện ở nhiều điểm nóng trở nên quá tải. Quốc gia kêu gọi tất cả người trưởng thành tiêm liều vaccine thứ ba 6 tháng sau liều thứ hai. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn gọi đây là "quy định, không có ngoại lệ".
16 triệu người Đức đủ điều kiện vẫn từ chối vaccine. Giới chức không còn cách nào khác ngoài nỗ lực hơn để đảm bảo an toàn cho những người đã sẵn sàng tiêm chủng.
Số ca Covid-19 ở Anh đạt kỷ lục mới vào tháng 10, theo nghiên cứu của Đại học Imperial College London. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho rằng đây là lời nhắc nhở người dân duy trì cảnh giác khi bước vào mùa đông, thời tiết lạnh hơn.
Tháng trước, nước này khởi động chương trình tiêm phòng cúm lớn nhất lịch sử để giải quyết mối lo ngại về một dịch bệnh kép, khi số ca Covid-19 tăng đột biến và dịch cúm bùng phát trở lại. Người Anh hiện có thể tiêm liều vaccine thứ ba ở bất cứ điểm y tế lưu động nào của Dịch vụ Y tế Quốc gia mà không cần hẹn trước. Anh cũng trở thành nước đầu tiên phê duyệt thuốc Covid-19 molnupiravir.
Các khu vực phía Bắc của Italy, bao gồm Veneto và Friuli Venezia Giulia, ghi nhận lượng bệnh nhân tăng nhanh chóng. Nguyên nhân một phần do các cuộc biểu tình chống quy định bắt buộc tiêm vaccine của chính phủ.
"Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng tiêm chủng liều thứ ba cho các nhóm tuổi khác kể từ tuần tới. Chúng tôi vẫn cần bắt kịp tiến độ tiêm liều đầu tiên, đang tăng tốc tiêm liều ba", Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza nói.
Hy Lạp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong ngày 10/11 với 8.613 ca, tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng qua. Các bệnh viện tại nước này đang lâm vào tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhân nhiễm nCoV nhập viện tăng vọt.
Tại Pháp, số ca nhiễm tăng nhanh sau khoảng thời gian duy trì ở mức tương đối thấp. Giới chức quy định các trường học trên khắp cả nước phải đeo khẩu trang trở lại. Quyết định triển khai thẻ xanh vaccine tại các nhà hàng, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm khác giúp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, giữ số ca tử vong và nhập viện ở mức thấp, giải tỏa căng thẳng cho các bệnh viện. Cơ quan lập pháp Pháp hôm 4/11 đã thông qua dự luật duy trì sử dụng thẻ xanh vaccine đến cuối tháng 7/2022. Giới chức khuyến khích người cao tuổi tiêm liều tăng cường.
Bồ Đào Nha hôm 4/11 báo cáo số ca nhiễm mới cao nhất kể từ 9/9. Khoảng 86% dân số nước này đã được tiêm đủ hai liều vaccine - là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Tây Ban Nha là điểm sáng hiếm hoi ở châu Âu. Số ca nhiễm nước này vẫn thấp kể từ tháng 9. Lượng người nhập viện tiếp tục giảm rõ rệt. Hơn 88% người từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ, hơn một triệu người đã tiêm liều tăng cường kể từ khi chính phủ phê duyệt chương trình vào đầu tháng 10.
Trái lại, Romania ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới trong tuần qua. Các bệnh viện thiếu giường điều trị, nhiều bệnh nhân mắc kẹt trong xe cấp cứu hoặc phải chữa bệnh ngay tại hành lang. Một số người thở oxy trong ô tô.
Bulgaria, nước có chương trình tiêm chủng chậm chạp nhất khối EU trải qua tuần đại dịch chết chóc nhất với hơn 1.000 người tử vong.
Bước vào mùa đông thứ hai của đại dịch, các chính phủ một lần nữa đối mặt với nhiệm vụ khó khăn: Nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm, cứu sống bệnh nhân, bảo vệ hệ thống y tế vốn mong manh, đồng thời tránh áp đặt hạn chế quá hà khắc ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe tinh thần người dân.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ủng hộ các nước phê duyệt liều vaccine Moderna và Pfizer thứ ba cho tất cả người trên 18 tuổi, hỗ trợ các quốc gia mở rộng chương trình tiêm chủng nếu có nhu cầu. EMA cũng xem xét sử dụng loại vaccine khác so với các liều đầu tiên. Nhiều quốc gia đã tiêm trộn vaccine, dữ liệu ban đầu cho thấy phản ứng miễn dịch sẽ mạnh mẽ hơn so với tiêm cùng loại.
Trong khi đó, hệ thống y tế các nước phải đối mặt với cuộc chiến về hậu cần, bởi liều lượng vaccine khác nhau giữa trẻ nhỏ và người lớn, đồng thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn khu vực đang gia tăng.
Một mặt, nhiều người vẫn đặt nghi vấn về việc liệu liều vaccine thứ ba có thực sự cần thiết, đặc biệt là với người trẻ tuổi, hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Mặt khác, những người ủng hộ tiêm nhắc lại cho rằng đây là vũ khí hữu hiệu chống lại các đợt bùng phát Covid-19 tiếp theo.
Đến nay, châu Âu đã trải qua 4 đợt bùng phát Covid-19. Làn sóng đầu tiên bắt đầu vào tháng 3/2020, khi virus bắt đầu lây lan từ Trung Quốc ra nhiều khu vực trên thế giới. Đợt bùng phát thứ hai bắt đầu vào cuối năm 2020 đến đầu năm 2021. Song tỷ lệ lây nhiễm và tử vong thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát đầu tiên.
Covid-19 quay trở lại châu lục lần thứ ba vào tháng 4 vừa qua, khiến nhiều nước tái áp đặt lệnh hạn chế, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân không ra ngoài vào khung giờ nhất định trong ngày. Làn sóng thứ 4 bắt đầu vào khoảng tháng 10, dù nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Kể từ đầu dịch, châu Âu ghi nhận tổng cộng hơn 67 triệu ca nhiễm và hơn 1,3 triệu trường hợp tử vong. Số ca mắc mới kể từ 1/10 đến nay luôn cao trên 100.000.
Thục Linh (Theo Bloomberg, Reuters)