Khi xung đột Ukraine sắp bước sang tháng thứ 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin không cho thấy dấu hiệu nào về khả năng kết thúc chiến dịch quân sự.
"Mọi người nên biết rằng chúng tôi thậm chí chưa thực sự nghiêm túc bắt đầu bất kỳ điều gì ở Ukraine", ông Putin nói trong với các lãnh đạo quốc hội ở Moskva tuần trước, thêm rằng xung đột có thể kéo dài cho đến khi "người Ukraine cuối cùng còn đứng vững".
Bình luận của ông Putin cho thấy mục tiêu của Moskva là kéo dài cuộc chiến, khiến Ukraine và cả các đồng minh phương Tây kiệt quệ trước Nga, theo giới quan sát. Tuy nhiên, David Ignatius, nhà phân tích của Washington Post, nhận định lãnh đạo Nga có thể không đạt được mục tiêu này khi Mỹ và đồng minh phương Tây có nhiều cách để ứng phó.
Át chủ bài của phương Tây là sức mạnh kinh tế, nếu họ có thể đoàn kết với nhau vì mục tiêu chung. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 cho biết ông sẽ "khiến nền kinh tế Nga phải trả giá đắt" cả trong hiện tại và tương lai.
"Chúng tôi sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của họ trong một nền kinh tế công nghệ cao của thế kỷ 21", ông Biden nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 25/4 còn tuyên bố phương Tây muốn "Nga suy yếu đến mức không thể tiếp tục làm những việc như ở Ukraine". Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cũng tin rằng phương Tây sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, trong những tháng qua, phương Tây ngày càng tỏ ra nôn nóng và mất kiên nhẫn trong chiến lược của mình, theo Ignatius. "Bạn có thể cảm nhận được nỗi lo lắng của các quan chức Mỹ và phương Tây rằng Nga có thể kiên nhẫn đến cùng trên chiến trường Ukraine và né tránh các lệnh trừng phạt trong nước. Cuộc chiến càng kéo dài, cơ hội của Nga sẽ càng cao", nhà phân tích này cho hay.
Ignatius cho rằng để giải quyết nỗi lo lắng đó, phương Tây vẫn phải tiếp tục các đòn trừng phạt kinh tế với Nga để đến cuối năm nay, Moskva mới là bên nếm trải "nỗi đau mùa đông" chứ không phải Kiev hay châu Âu.
Chính các quan chức Nga đang thừa nhận biện pháp trừng phạt từ phương Tây đang phát huy hiệu quả. "Tình hình không dễ dàng", Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết tháng trước.
Herman Gref, người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank, cũng thừa nhận Nga có thể cần 10 năm để đưa nền kinh tế quay trở lại mức của năm 2021. Ông nói với báo giới rằng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển tới Nga đã giảm 6 lần vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Chúng tôi đang tham gia vào một cuộc chiến dài hơi", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói ngày 14/7. Bà lưu ý Mỹ đã tập hợp liên minh khoảng 30 quốc gia để hỗ trợ các lệnh trừng phạt, khiến lượng chất bán dẫn xuất khẩu tới Nga giảm 74% so với một năm trước.
"Bạn không thể xây dựng một quân đội hiện đại mà không có chất bán dẫn", Bộ trưởng Raimondo nói. Đây là thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử tinh vi sử dụng trên vũ khí công nghệ cao như tên lửa hành trình dẫn đường chính xác.
Khi giá năng lượng toàn cầu tăng cao, Nga vẫn có doanh thu dồi dào từ bán dầu và khí đốt. Tuy nhiên, Moskva ngày càng gặp khó khăn khi mua những thứ họ cần vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây.
Một quan chức cấp cao Bộ Thương mại nói các mặt hàng tối cần thiết, vốn rất cần cho lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và năng lượng, từ Mỹ tới Nga đã giảm 95,5% so với một năm trước.
Chính quyền ông Biden có thể đang lạc quan quá mức về tác động tức thì của lệnh trừng phạt, nhưng một nghiên cứu tháng trước của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy những lệnh cấm vận này đang gây ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Nga.
Dựa trên dữ liệu xuất khẩu của 54 quốc gia, chiếm 90% lượng hàng nhập khẩu của Nga năm ngoái, nghiên cứu cho thấy lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga của các nước bị Mỹ trừng phạt đã giảm 60% kể từ nửa cuối năm 2021. Tỷ lệ này ở các nước không bị Mỹ trừng phạt là 40%.
Giới chức Mỹ thêm rằng lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga dường như cũng không vấp cản trở từ các nước khác. "Chúng tôi không thấy bất kỳ quốc gia nào tìm cách lách biện pháp hạn chế xuất khẩu của chúng tôi, kể cả Trung Quốc và Iran", bà Raimondo nói.
Sự hỗ trợ nước ngoài đối với các công ty truyền thông và công nghệ Nga đang dần suy giảm. Ericsson và Nokia đã cắt giảm hoạt động ở Nga, và thậm chí gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc cũng có động thái tương tự. Microsoft không chỉ dừng hoạt động kinh doanh ở Nga mà còn tích cực hỗ trợ chống lại các cuộc tấn công mạng được cho là do Moskva thực hiện.
Trong cuộc chiến tiêu hao với Ukraine, quân đội Nga đang mất nhiều khí tài trên chiến trường và việc thay thế sẽ không dễ dàng, theo giới quan sát. Theo báo cáo được công bố của Ukraine, Nga đã tạm dừng hoặc hạn chế sản xuất xe tăng tại Tập đoàn Uralvagonzavod và nhà máy Chelyabinsk, cũng như ngừng sản xuất tên lửa phòng không tại nhà máy cơ khí Ulyanovsk do thiếu vật tư. Các nhà máy đóng tàu lớn của Nga cũng bị ảnh hưởng.
Những biện pháp trừng phạt "trên thực tế đã phá vỡ tất cả các chuỗi hậu cần ở đất nước chúng tôi", theo Bộ trưởng Giao thông Nga Vitaly Savelyev. Về hàng không, Mỹ và châu Âu đã cấm một phần hoặc tất cả dịch vụ cho hàng trăm máy bay Boeing và Airbus hoạt động ở Nga, buộc các hãng hàng không Nga phải cắt giảm mạnh chuyến bay.
Brian O'Toole, chuyên gia tại Trung tâm Địa Kinh tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng các lệnh cấm xuất khẩu và hạn chế công nghệ như vậy sẽ cần nhiều thời gian và kiên nhẫn để phát huy hiệu quả, do Nga sẽ tìm cách né tránh chúng. Bởi vậy, O'Toole cho rằng Mỹ, EU, Anh và các đối tác G7 nên tăng cường tìm kiếm để xác định thêm những lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng ngách, nhằm gia tăng sức ép lên Nga.
Trong trường hợp Nga phớt lờ các lệnh trừng phạt và tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến ở Ukraine, Moskva có thể đối mặt với nhiều vấn đề về lâu dài.
Theo chuyên gia O'Toole, các biện pháp cấm vận kinh tế nếu được phương Tây duy trì một cách có hệ thống sẽ giúp biến những phản ứng lo lắng, hoảng hốt ban đầu thành một cơ chế trừng phạt ổn định hơn, khiến nền kinh tế Nga ngày càng bị siết chặt và cô lập.
"Tổng thống Putin đang có những hành động táo bạo và tính toán đường xa trong cuộc đấu với phương Tây. Nhưng nếu Mỹ và đồng minh quyết tâm duy trì sức ép như hiện nay, ông ấy nắm giữ ít cơ hội thành công hơn dự tính", nhà phân tích Ignatius nhận định.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)