Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cuối tuần qua cho biết Kiev hy vọng tập hợp một "đội quân triệu người" để cố gắng giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát ở miền nam nước này. Ông thêm rằng các lực lượng Ukraine cũng đã chứng minh cho Mỹ thấy họ có thể sử dụng tốt pháo phản lực HIMARS mới nhận được, mở đường cho khả năng được cung cấp thêm.
Dù những tuyên bố này có vẻ ấn tượng, giới quan sát cho rằng Ukraine vẫn khó có thể thuyết phục được các đồng minh rằng họ có thể phản công hiệu quả, ngay cả khi những tổ hợp HIMARS của Mỹ và M270 của Anh, với tầm bắn 70-80 km, bắt đầu được sử dụng tốt trên chiến trường.
"Một bước ngoặt về cục diện chiến trường, nếu có xảy ra, sẽ cần rất nhiều thời gian", Dan Sabbagh, nhà phân tích quốc phòng và an ninh của Guardian, nhận định.
"Ý tưởng về một cuộc phản công đang được người Ukraine ủng hộ rộng rãi", Orysia Lutsevych, nhà nghiên cứu tại Chatham House, cho biết, nhưng Kiev cần thuyết phục được phương Tây rằng nếu tiếp tục được giúp đỡ, họ sẽ có cơ hội đẩy lùi quân Nga.
Ukraine bắt đầu cuộc chiến với đội quân 125.000 lính chính quy, cộng với 100.000 vệ binh quốc gia và lính biên phòng, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Kiev đang đặt mục tiêu tăng quân lên 700.000 lính chính quy và 300.000 dân quân. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều nhà quan sát quan tâm là chất lượng của "đội quân triệu người" này đến đâu.
Hơn ba tháng giao tranh ở Donbass, miền đông Ukraine, đã khiến Ukraine tổn thất nhiều đơn vị tinh nhuệ do hỏa lực pháo binh áp đảo của Nga. Các nguồn tin tình báo quân sự Ukraine gần đây cho biết trung bình 100 lính Ukraine thiệt mạng mỗi ngày ở chiến trường miền đông.
Cùng với 300-400 người bị thương mỗi ngày, con số thương vong của Ukraine có thể lên tới 15.000 người mỗi tháng. Ngoài ra, khoảng 7.200 lính Ukraine mất tích kể từ khi bắt đầu xung đột quân sự, nhiều người trong số đó thuộc các lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine.
Ukraine và các đồng minh phương Tây nhận thức rõ ràng về nhu cầu bổ sung lực lượng. Anh bắt đầu đào tạo cho khoảng 600 tân binh Ukraine các kỹ năng chiến đấu cơ bản. London cam kết hỗ trợ đào tạo khoảng 2.400 lính Ukraine cùng lúc và 10.000 người sau mỗi 120 ngày.
Một số tân binh Ukraine, có độ tuổi từ 18 đến 60, là những người chưa từng bắn súng, nên cần được đào tạo từ đầu. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện cơ bản dự kiến không mất nhiều thời gian.
Một huấn luyện viên người Anh cho biết lúc đầu các tân binh chỉ có thể bắn trúng 50% mục tiêu bằng súng trường, nhưng tỷ lệ này hiện đã là 80%.
Các chương trình huấn luyện quân sự như vậy rất quan trọng đối với Ukraine, nhưng một chiến dịch phản công đòi hỏi nhiều hơn thế, theo Dan Sabbagh. Nó yêu cầu sử dụng chiến lược kết hợp với khí tài, khả năng tập trung lực lượng trên chiến trường và vũ khí tân tiến từ phương Tây.
Cho đến nay, số tổ hợp HIMARS mà Mỹ chuyển cho Ukraine đã tăng từ 4 lên 12, nhưng Kiev sẽ cần nhiều thời gian để tiếp nhận thêm và huấn luyện cho binh sĩ cách sử dụng chúng thuần thục.
Ukraine đã nỗ lực thuyết phục phương Tây để có được các loại vũ khí tiêu chuẩn NATO, khi nước này ngày càng cạn nguồn cung đạn dược thời Liên Xô. Tuy nhiên, vũ khí mới cũng mang tới vấn đề mới, khi họ phải tốn nhiều thời gian học cách sử dụng chúng.
Dù vậy, những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện.
Cuối tuần qua, bình luận viên người Nga Igor Girkin cảnh báo trên Telegram rằng các hệ thống phòng không của Moskva tỏ ra không hiệu quả trước các cuộc tập kích bằng HIMARS. Girkin thêm rằng trong 5-7 ngày qua, hơn 10 kho đạn và hậu cần cùng khoảng 10 sở chỉ huy của lực lượng Nga ở vùng Kherson, miền nam Ukraine, đã bị tấn công.
Ukraine hy vọng bằng cách tập kích sâu hơn vào phòng tuyến đối phương, hệ thống HIMARS sẽ làm gián đoạn khả năng tiếp tục tấn công của Moskva ở Donbass.
Một trong những yếu tố quyết định thành bại trong chiến dịch phản công của Ukraine là liệu Moskva có thể thực hiện chiến dịch tấn công tổng lực vào Sloviansk và Kramatorsk, hai thành phố đông dân nhất ở tỉnh Donetsk, hay không. Nga đã bắn khoảng 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày, từ từ phá hủy Severodonetsk và các thành phố, thị trấn trên đường tiến quân tới Sloviansk và Kramatorsk.
Trong khi đó, Ukraine đang đối mặt nhiều thách thức. Sức mạnh không quân của nước này rất hạn chế, trong khi tiến độ cung cấp tiêm kích MiG-29 từ các đồng minh phương Tây diễn ra chậm chạp. Lực lượng Nga đã dần đẩy chiến tuyến lùi về phía tây, trong khi những cuộc phản công ở phía nam của Ukraine cũng như ở Kherson thu được kết quả không đáng kể.
"Nếu cuộc tấn công của Nga ở Donbass lên tới đỉnh điểm, Ukraine sẽ ngày càng chịu nhiều áp lực để tiến hành một cuộc phản công lớn. Nhưng họ phải mất thời gian chuẩn bị, huấn luyện và tích trữ đạn dược để tăng thêm cơ hội thành công", Ben Barry, chuyên gia tác chiến trên bộ của IISS, nói và cảnh báo rằng nếu vội vàng, Ukraine có thể hứng chịu thất bại lớn trên chiến trường, dẫn tới thảm họa chính trị đối với chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Barry lấy dẫn chứng từ Chiến dịch Storm, cuộc tấn công giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến của Croatia chống lại phe ly khai Serbia những năm 1990. Chuyên gia này cho biết để tiến hành được Chiến dịch Storm vào tháng 8/1995, quân đội Croatia đã kiên nhẫn lên kế hoạch trong nhiều năm, với sự hỗ trợ huấn luyện từ một công ty tư vấn quân sự Mỹ.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, Chiến dịch Storm đã thành công, góp phần kết thúc chiến sự sau 3 năm bế tắc. "Đó là lý do những cuộc chiến như vậy thường kéo dài nhiều năm, thay vì vài tháng", Barry nói.
Thanh Tâm (Theo Guardian)