Ung thư cổ tử là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ. Triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, khi phát hiện bệnh có thể ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, một số trường hợp phải cắt bỏ cổ tử cung, khiến chị em mất khả năng làm mẹ, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Từ khi có vaccine, nhiều phụ nữ được bảo vệ tốt hơn trước căn bệnh nguy hiểm này. Bên cạnh phòng ngừa bằng vaccine, chị em nên thường xuyên khám phụ khoa định kỳ, giữ vệ sinh vùng kín, dinh dưỡng, vận động hợp lý.
Tiêm vaccine phòng bệnh
Virus HPV (Human Papillomavirus) có khả năng gây ung thư ở cổ tử cung, dương vật, âm đạo, âm hộ, hậu môn, cổ họng hoặc mụn cóc sinh dục. Từ khi vaccine HPV được phát triển thành công vào năm 2006, hàng triệu phụ nữ trên thế giới có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung từ sớm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine có hiệu quả phòng bệnh ung thư do HPV gây ra khoảng 70%.
Vaccine ung thư cổ tử cung có thể tiêm từ lúc 9 tuổi đến 26 tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vaccine trước khi quan hệ tình dục, hiệu quả phòng bệnh tốt hơn nếu tiêm ở độ tuổi 11-12.
Phác đồ tiêm vaccine ung thư cổ tử cung gồm 3 mũi. Tùy từng loại vaccine mà lịch tiêm có thể khác nhau gồm 0-2-6 (mũi thứ nhất lần đầu tiêm, mũi hai cách mũi thứ nhất hai tháng, mũi ba cách mũi thứ nhất sáu tháng) hoặc 0-1-6 (mũi thứ nhất lần đầu tiêm, mũi hai cách mũi thứ nhất một tháng, mũi ba cách mũi thứ nhất sáu tháng).
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Hiện có các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung là phết tế bào cổ tử cung (Pap smear), xét nghiệm HPV. Xét nghiệm Pap smear định kỳ có thể giúp tầm soát bệnh từ sớm để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ bất thường tiến triển thành ung thư. Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi được khuyến cáo làm xét nghiệm Pap smear mỗi ba năm một lần.
Để thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ khám và đặt dụng cụ y khoa gọi là mỏ vịt vào âm đạo để có thể quan sát rõ cổ tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng thiết bị chuyên dụng thu thập các tế bào trong cổ tử cung, đặt chúng lên tấm lam kính và chuyển đến phân tích tại phòng xét nghiệm. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung đã giảm 60% sau 10 năm xét nghiệm này được đưa ra (1950).
Phụ nữ từ 30 đến 64 tuổi nên thực hiện bộ đôi xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện các trường hợp bệnh bị bỏ sót bởi xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, tăng tỷ lệ phát hiện bệnh từ sớm.
Quan hệ tình dục an toàn
Virus HPV dễ lây qua đường quan hệ tình dục. Không chỉ phụ nữ, nam giới vẫn có khả năng bị nhiễm virus HPV. Virus này còn có khả năng gây ung thư dương vật, âm đạo, âm hộ, hậu môn, cổ họng, mụn cóc sinh dục... Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ, nam giới nên quan hệ tình dục an toàn, không nên quan hệ quá sớm.
Vệ sinh vùng kín
Giữ vệ sinh vùng kín hàng ngày, trước và sau quan hệ giúp chị em phòng ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh phụ khoa khác. Không nên làm "chuyện ấy" vào những ngày "đèn đỏ" để tránh vi khuẩn có điều kiện dễ dàng xâm nhập vào âm đạo. Chị em nên thường xuyên thăm khám phụ khoa 6 tháng một lần nhằm sớm phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục.
Dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý
Chế độ dinh dưỡng giúp phụ nữ, nhất là phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh tăng cường sức đề kháng, chống bệnh tật. Thực phẩm giàu vitamin C, A, E và chất chống oxy hóa góp phầm bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, từ ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Vận động, tập thể dục và nghỉ ngơi phù hợp mang đến cho chị em sức khỏe tốt, tinh thần thư thái để sống vui, khỏe.
Ngọc An