Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyên như trên, thêm rằng những biện pháp này giúp phòng tránh bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ trong bối cảnh trời mưa nắng thất thường.
Thời tiết mùa hè nắng nóng oi bức, xen kẽ mưa rào và giông, độ ẩm cao tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ghi nhận số bệnh nhi nhập viện do viêm đường hô hấp tăng 50% so với tháng 5. Phần lớn trẻ nhập viện 6 tháng đến 5 tuổi, triệu chứng điển hình là ho, khò khè, sốt cao.
Tránh tiếp xúc nước mưa
Trẻ em tránh ra ngoài khi trời mưa lớn hoặc không tắm mưa. Nguồn nước này có thể chứa các loại vi khuẩn, virus gây bệnh khiến trẻ cảm lạnh, viêm đường hô hấp.
Nếu trẻ bị dính nước mưa, phụ huynh lau khô người, giữ thân nhiệt ổn định cho con. Trẻ nhỏ có thể uống thêm sữa nóng hoặc trà gừng với trẻ lớn hơn để làm ấm cơ thể sau đó tắm sạch. Không tắm ngay sau khi nhiễm lạnh vì sự thay đổi thân nhiệt dễ gây rối loạn chức năng hệ tim mạch, thần kinh.
Uống đủ nước
Khi trời mưa, ẩm ướt, trẻ vẫn cần uống đủ nước. Nước giúp cổ họng và mũi duy trì độ ẩm và chất nhầy, ngăn mầm bệnh đi vào cơ thể. Nước cũng hỗ trợ mô phổi đàn hồi tốt hơn, phổi hoạt động linh hoạt, tăng hô hấp.
Gia đình có thể cho trẻ uống nước trái cây, sữa xen kẽ nước lọc. Nếu vận động ngoài trời, trẻ nên dùng các đồ uống có bù điện giải, chứa khoáng chất như natri, kali, magie để đảm bảo sức khỏe.
Ăn đủ chất
Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe và miễn dịch của em bé. Trẻ sơ sinh cần bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài đến 24 tháng. Sữa mẹ giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và nâng cao hệ miễn dịch.
Đối với trẻ lớn hơn, thực phẩm hàng ngày phải đủ các nhóm chất: bột đường, chất béo, chất đạm (protein), vitamin và khoáng chất. Một số thực phẩm giàu dinh dưỡng, hỗ trợ cải thiện sức khỏe như cá béo (cá thu, cá cơm...) cung cấp protein, omega-3 dồi dào; trái cây họ cam (cam, chanh, bưởi) giàu vitamin C, tăng miễn dịch. Trẻ 6-36 tháng bổ sung vitamin A liều cao đều đặn hai lần mỗi năm.
Tránh khói ô nhiễm
Các chất như khói thuốc lá, hóa chất gia dụng, nấm mốc, khói nấu ăn... đều có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính dễ trở nặng khi hít phải các khói này. Gia đình nên dùng máy hút mùi nấu ăn, không hút thuốc lá, làm thông thoáng không khí trong nhà để giữ sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Tránh tiếp xúc gần người bệnh
Nhiều bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng thời gian gần đây như cúm, sởi, ho gà... Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, đặc biệt nhóm chưa có miễn dịch từ vaccine rất dễ mắc bệnh, nguy cơ trở nặng. Do đó, gia đình nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc người ốm, mắc bệnh đường hô hấp.
Giữ vệ sinh
Bàn tay bẩn chứa nhiều mầm bệnh gây tiêu chảy, đau mắt, cúm... Trẻ nhỏ thường bốc đồ chơi, bò trườn trên sàn nhà, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, vô tình đưa mầm bệnh vào cơ thể.
Phụ huynh cần vệ sinh các bề mặt, ngâm rửa đồ chơi sạch sẽ. Gia đình tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không cho tay lên mắt, mũi, miệng. Người lớn khi đi ra ngoài, đến nơi đông người nên tắm rửa sạch trước khi tiếp xúc em bé.
Tiêm vaccine
Miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang thai nhi và sữa mẹ giảm dần theo thời gian. Em bé cần tiêm vaccine đủ và đúng lịch để trang bị miễn dịch chủ động.
Giai đoạn 0-2 tháng tuổi, trẻ cần tiêm phòng lao, viêm gan B, mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (có thành phần ngừa ho gà, uốn ván, bại liệt, bạch hầu, viêm gan B, Hib), phòng viêm màng não mô cầu nhóm B và phế cầu. Ngoài ra trẻ cần uống vaccine Rotavirus.
Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, trẻ cần tiêm đúng lịch các vaccine phòng cúm, não mô cầu BC, sởi, quai bị, rubella, não mô cầu ACYW-135, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm gan A, viêm gan B. Từ 2 tuổi, trẻ cần tiêm vaccine thương hàn và uống vaccine tả.
Mỗi loại vaccine gồm mũi cơ bản và nhắc lại, cần thực hiện đầy đủ. Ví dụ, trẻ 4-6 tuổi cần tiêm vaccine cúm và mũi phòng 4 bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván. Mũi 5 trong 1 và 6 trong 1 cần nhắc lại khi 16-18 tháng tuổi. Vaccine thương hàn nhắc lại ba năm mỗi lần, vaccine phòng bệnh tả nhắc lại sau mỗi hai hoặc trước mùa dịch tả.
Không tự ý điều trị khi bị sốt
Bác sĩ An Khương khuyến cáo gia đình không tự ý điều trị khi trẻ cảm sốt. "Tự ý cho con sử dụng kháng sinh hoặc dùng lại đơn thuốc cũ có thể khiến hàng rào miễn dịch tự nhiên suy yếu, tăng vi khuẩn kháng kháng sinh dẫn tới điều trị khó khăn", bác sĩ Khương nhấn mạnh.
Khi trẻ ốm, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế, có bác sĩ chuyên khoa để được sử dụng thuốc hợp lý. Gia đình tuân thủ lịch dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thêm hoặc giảm liều.
Gia Nghi