Thầy Vĩnh Huy từng nhận học bổng chính phủ Australia (AAS) năm 1998, học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ năm 2006 và học bổng tiến sĩ của Southern Illinois University Carbondale ở Mỹ năm 2008. Thầy giáo ngoài 50 tuổi sáng lập và hiện quản lý một trung tâm ngoại ngữ tại TP HCM, chuyên luyện thi IELTS và hướng dẫn săn học bổng du học.
Thầy Huy cho biết paraphrase là kỹ năng viết lại câu mà không thay đổi nghĩa của câu gốc. Kỹ năng này thường gặp trong các bài tập văn phạm dạng viết lại câu, cần thiết và quan trọng trong phần thi IELTS Writing cho Task 1 và Task 2. Để trả lời câu hỏi hay và đạt điểm tốt ở phần thi Speaking, bạn cũng phải dùng tới kỹ năng paraphrase, thay vì đơn thuần chỉ lặp lại câu hỏi của giám thị.
Trước khi paraphrase, thí sinh cần đọc kỹ và hiểu được nghĩa của câu gốc, nắm được ý chính (main idea) và các từ khóa (key words). Một khi xác định được các yếu tố này, bạn sẽ không bị sót hay sai nghĩa khi paraphrase. Đối với từ khóa mang tính chuyên ngành, bạn không cần thay đổi mà giữ nguyên để đảm bảo nghĩa của câu gốc.
Tiếp theo, bạn phải xác định được cấu trúc câu (sentence structure) để khi paraphrase đảm bảo mối quan hệ giữa các ý chính (main idea) và ý phụ (supporting idea). "Thí sinh lưu ý xem lại câu parapharse đã phản ánh đúng quan điểm của câu gốc hay chưa. Độ dài của câu hay đoạn văn paraphrase phải tương ứng với câu hay đoạn văn gốc, không quá dài hay ngắn hơn", thầy Huy khuyên.
Theo thầy Huy, thí sinh có thể paraphrase theo ba cách: Reword (thay đổi từ), restructure (thay đổi cấu trúc) và rephrase (thay đổi cụm từ). Thay đổi từ là thay bằng từ đồng nghĩa (synonym) để tạo nên một câu paraphrase.
Ví dụ: The graph below shows the rate at which car were stolen in four countries between 1990 and 1998 (Đồ thị dưới đây cho thấy tỷ lệ xe bị đánh cắp tại bốn quốc gia từ năm 1990 đến năm 1998).
Viết lại: The line graph presents data on the rate of car theft over an eight year period in Great Britain, Sweeden, Canada, and France (Đồ thị đã cho trình bày dữ liệu về tỷ lệ xe bị lấy trộm trong khoảng thời gian 8 năm ở Anh, Thụy Điển, Canada và Pháp).
Muốn áp dụng được cách thay đổi cấu trúc hiệu quả, thí sinh cần vững văn phạm (grammar). Bạn thay đổi cấu trúc câu bằng cách chuyển từ dạng chủ động (active) sang bị động (passive) hay ngược lại.
Ví dụ: You must complete all projects by July 11, 2014 (Bạn phải hoàn thành tất cả dự án trước ngày 11/7/2014).
Viết lại: All projects must be completed by July 11, 2014 (Tất cả dự án cần phải được hoàn thành trước ngày 11/7/2014).
Bạn cũng có thể chuyển đổi giữa các dạng từ (part of speech) như danh từ thành động từ và ngược lại, tính từ thành trạng từ và ngược lại, từ đó chuyển được cả cấu trúc của câu.
Ví dụ: I do not know what the meaning of this word is (Tôi không biết nghĩa của từ này là gì).
Viết lại: I do not know what this word means (Tôi không biết từ này nghĩa là gì).
Thậm chí, thí sinh thay đổi cấu trúc bằng cách thay đổi thì (tense) của câu.
Ví dụ: The project is still continuing (Dự án này vẫn đang tiếp diễn).
Viết lại: The project has not finished yet (Dự án này vẫn chưa hoàn thành).
Cuối cùng, khi thay đổi cụm từ, bạn có thể dùng chủ ngữ giả (fake subject) "it" làm chủ ngữ.
Ví dụ: You should not drink too much coffee (Bạn không nên uống quá nhiều cà phê).
Viết lại: It is not a good idea to drink too much coffee (Đó không phải là ý tưởng hay khi uống nhiều cà phê).
Thầy Huy gợi ý thí sinh còn có thể áp dụng cấu trúc "find it + adj + to do sth" hay "find + something + adj + to do sth" để viết lại câu.
Ví dụ: Studying IELTS is very difficult for me (Với tôi, học IELTS rất khó).
Viết lại: I find it very difficult to study IELTS (Tôi thấy rất khó khi học IELTS).
"Paraphrase hiệu quả hay không tùy thuộc vào trình độ văn phạm và vốn từ của mỗi cá nhân. Các bạn có thể đọc tham khảo các sample essay (bài viết mẫu) và các câu hỏi của phần IELTS Reading để học hỏi cách paraphrase", thầy Huy nói.
Bình Minh