Chiếc máy phát điện chạy ầm ĩ bên ngoài một dãy chung cư ở Kiev. Khắp đường phố, những cỗ máy chạy xăng như vậy trở thành hệ thống điện dự phòng giúp thủ đô Ukraine hoạt động giữa những đợt tập kích của Nga.
Đó là một ngày đầu tháng hai. Các tòa nhà bê tông xám xịt chìm trong bóng tối bắt đầu sáng lên khi dòng điện từ máy phát chạy qua từng căn hộ.
Một trong số đó là căn hộ trên tầng cao nhất của Viktoria Beliakova, nhà tư vấn tài chính 35 tuổi, cùng chồng, Valentyn Hlyboky, chuyên gia công nghệ thông tin 38 tuổi, và cô con gái 12 tuổi của họ, Vlada.
Viktoria cho biết quãng thời gian mùa đông vừa qua, khi các căn hộ chìm trong lạnh giá, là "giai đoạn khó khăn chưa từng có" với gia đình cô.
Nga từ tháng 10 năm ngoái liên tục tập kích lưới điện và trạm biến áp trên khắp Ukraine, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này và đời sống người dân, khi nhiệt độ thường xuyên giảm xuống dưới -7 độ C từ tháng 12 đến tháng 3.
"Đây là lý do Nga tập kích hạ tầng năng lượng từ đầu tháng 10. Mục đích của họ là khiến dân thường chịu khổ sở, buộc nhiều người phải rời bỏ đất nước vì không thể chịu đựng điều kiện sống như vậy", Maryna Ilchuk, luật sư chuyên tư vấn về năng lượng, dầu mỏ và khí đốt, chia sẻ.
Cuối tháng 11, Ukrenergo, công ty điện lực quốc gia Ukraine, buộc phải cắt điện luân phiên nhằm giữ cho hệ thống không bị sụp đổ. Khi tình trạng mất điện luân phiên được cải thiện vào tháng hai, Nga tuần trước tiếp tục phóng 80 tên lửa vào các thành phố Ukraine, trong đó có Kiev, khiến tình trạng cũ lặp lại.
Theo dữ liệu của Ukrenergo, kể từ khi xung đột bùng phát, họ đã mất ít nhất 30% sản lượng điện, trong đó sụt giảm mạnh nhất là năng lượng hạt nhân, vốn cung cấp hơn 50% lượng điện cho đất nước.
Bếp của gia đình Viktoria có một chiếc phích và bình ủ chân không chứa đầy nước nóng, hai thứ đã giúp cô nấu những "bữa ăn chớp nhoáng", như cháo hay mì ăn liền, trong thời gian mất điện. Họ cũng trải thảm dày khắp nhà và giữ ấm bằng cách đi tất len, mặc áo len lông cừu và quấn mình trong chăn.
Nhiều căn hộ kiểu cũ không được cách nhiệt tốt phải đương đầu với cái lạnh khắc nghiệt hơn. Điều này đặc biệt khó khăn với người cao tuổi. Vì vậy, toàn bộ 210 căn hộ trong khu chung cư của Viktoria đã góp 3.000 USD mua máy phát điện để vận hành hệ thống sưởi.
Với Viktoria, cũng như nhiều gia đình khác, máy phát điện đã tạo ra khác biệt thực sự. Vlada có thể học trực tuyến, trong khi Valentyn và Viktoria có thể làm việc từ xa bằng máy tính xách tay.
Cặp vợ chồng cảm thấy may mắn vì đã lắp cửa sổ cách nhiệt trước chiến sự, giúp bảo vệ căn hộ của họ trước cái lạnh buốt giá. Nhưng rất nhiều cư dân lâm vào tình cảnh tồi tệ hơn, buộc nhà chức trách phải thiết lập những nơi trú ẩn khẩn cấp giúp họ sưởi ấm.
Hồi tháng 11, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tuyên bố hơn 4.000 "điểm kháng cự" đã được thiết lập và chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng thêm nhiều cơ sở.
"Chúng tôi đã trải qua mùa đông trong điều kiện không thể chấp nhận được, nhưng có những người còn sống với điều kiện tồi tệ và lạnh giá hơn nhiều. Đầy đủ ở mức tối thiểu là phương châm của gia đình tôi", Viktoria nhấn mạnh.
Anton Anoshin, đại tá quân đội 39 tuổi, ngồi thư giãn trong ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn tây bắc Ukraine. Đằng sau anh là một lò sưởi nóng đỏ. Anoshin coi đây là quãng thời gian vô giá sau nhiều tuần anh huấn luyện binh lính chiến đấu giữa cái lạnh cắt da cắt thịt.
Khi quân đội Nga bao vây thành phố Kiev quê hương anh trong những ngày đầu chiến sự, Anton đã đăng ký nhập ngũ và được điều ra tiền tuyến.
Trong căn phòng tối phía sau lò sưởi, một thành viên trong đơn vị của Anton vừa trở về từ Bakhmut, thành phố miền đông, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt nhất Ukraine lúc này.
"Anh ấy đang bị bất ổn tâm lý", Anton nói về người đồng đội. "Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên ra tiền tuyến. Đó là một trải nghiệm gây sốc".
Các thành viên trong đơn vị của Anton không chỉ đối mặt với bom đạn. Họ còn phải đấu tranh để giữ ấm. Theo lời anh, xung quanh Bakhmut không có điện nước, buộc các binh sĩ phải tự sáng tạo cách giữ ấm.
"Đơn vị tôi thường mang theo một bình gas và lò sưởi bằng gốm", anh nói, thêm rằng đây là giải pháp hữu ích, rẻ tiền cho các tình huống như khi canh gác ở chốt. Nhưng biện pháp sưởi ấm này không thực sự hữu ích nếu ở trong không gian kín, vì sẽ gây cạn kiệt oxy.
Nó cũng gây rủi ro khi ở gần tiền tuyến, vì máy bay không người lái (UAV) trang bị camera ảnh nhiệt của đối phương có thể phát hiện ra ngọn lửa và không lâu sau "bạn sẽ bị trúng đạn pháo", anh giải thích.
Ngoài các giải pháp tự phát, binh lính Ukraine cũng được cấp đồng phục mùa đông mà họ chuyển sang sử dụng từ giữa tháng 10. Nhưng các binh sĩ đôi khi mặc đến 4 lớp quần áo mới đủ giữ ấm. Thông thường, hai lớp đầu tiên gồm áo lót và quần áo giữ nhiệt kèm hai đôi tất mùa đông. Bên ngoài, họ mặc thêm một bộ quần áo cách nhiệt làm bằng vải tổng hợp, cùng một lớp áo chống gió và chống thấm nước.
Khi trời lạnh giá hơn, họ vẫn mặc bộ trang phục trên, bổ sung những tấm bảo vệ ở khuỷu tay, đầu gối hay vai và chiếc khăn bằng lông cừu, cùng găng tay.
Trên chiếc bàn trước mặt, Anton bày ra một số trang bị giúp anh giữ ấm ở tiền tuyến. Đầu tiên là chiếc máy sưởi mini. Anh mở nó ra để lộ một thanh than, lớn hơn điếu thuốc lá một chút, được bọc trong bông khoáng. Anton lấy một lọ nhỏ đựng xăng đổ vào đầu than, châm lửa rồi thổi cho đến khi đỏ rực lên. Sau đó, anh đóng nó lại.
Thiết bị này có thể giữ ấm 5-6 tiếng, rất cần thiết với Anton, giúp anh hong khô tất và giày ướt, điều anh mô tả là "vấn đề lớn nhất của người lính" khi trời lạnh. Anh cũng có thể dùng tất bọc lấy nó và đặt trong túi ngủ vào ban đêm.
Tiếp theo, Anton lấy ra một chiếc túi sưởi, vật dụng phổ biến của binh lính để làm ấm tay chân. Nhưng anh cho biết chúng chỉ sử dụng được một lần nên việc mang theo quá nhiều có thể khiến ba lô của binh sĩ trở nên nặng nề.
"Bạn nên mang thứ gì đó nhẹ và đủ chức năng. Nếu phải chọn giữa áo giáp hoặc máy sưởi, bạn cần chọn áo giáp", anh nói chắc nịch.
Tiếp theo, Anton lấy ra chiếc hộp thiếc, bên trong có chứa một cây nến nhỏ. Anh cho hay vật dụng này rất hữu dụng khi nấu ăn và không bị phát hiện bởi camera ảnh nhiệt.
Cuối cùng, một chiếc túi ngủ tốt để giữ ấm vào ban đêm là điều tối cần thiết để sinh tồn. "Bạn được thông báo hai tuần trước khi ra mặt trận và đây là thời gian để bạn chuẩn bị", anh nhấn mạnh.
Nhiều người lần đầu tiên ra tiền tuyến thường mường tượng về "khung cảnh mang màu sắc lãng mạn nhưng đây không phải trò chơi Call of Duty", Anton nói. "Mọi thứ trên thực tế đều rất khó khăn và khủng khiếp".
Anton kể một đồng đội của anh đã ngủ ba đêm ngoài trời mà không có đồ giữ nhiệt thích hợp. Anh sau đó được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch.
Người đồng đội đã được đưa đến bệnh viện, nhưng Anton vẫn chưa nhận được thêm thông tin gì về anh. "Có thể anh ấy đã ra đi mãi mãi, hoặc có thể bị cắt cụt chân", Anton nói. "Cuộc đời những người không chuẩn bị cho cái lạnh có thể thay đổi mãi mãi".
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)