Nhật Bản luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người thừa cân thấp nhất thế giới. Chỉ 3,6% dân số nước này có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 - ngưỡng béo phì, trong khi ở Mỹ là 32%. Leo Babauta, người sáng lập Zen Habits, tác giả cuốn The Power of Less, cho biết bằng những thói quen đơn giản mỗi ngày, người dân Nhật Bản vẫn có thể hình cân đối mà không cần áp dụng các chế độ ăn kiêng hoặc tập luyện quá hà khắc.
Ăn nhiều hải sản và rau xanh, khẩu phần ăn nhỏ
Thịt đỏ, thịt gia cầm không phải món chính trong chế độ ăn uống ở Nhật Bản. Người dân chủ yếu sử dụng hải sản, gạo và rau xanh. Họ tiêu thụ lượng thịt đỏ nhỏ hơn so với các khu vực khác trên thế giới, thường dùng như món ăn kèm.
Bên cạnh đó, người Nhật Bản chia thức ăn thành các khẩu phần nhỏ. Thay vì một đĩa lớn, họ thường ăn trong bát nhỏ, thưởng thức nhiều món khác nhau như cơm, miso, cá hoặc thịt, sau đó ăn hai đĩa rau chung hoặc ăn luân phiên. Người Nhật cũng tin tưởng vào khái niệm "kiềm chế linh hoạt" khi dùng đồ ăn nhẹ. Họ ăn rải rác các bữa phụ trong ngày với khẩu phần nhỏ hơn.
Nếu có dịp dùng bữa cùng một người cao tuổi ở Nhật, bạn sẽ nghe thấy họ mở đầu bữa ăn bằng câu nói lấy cảm hứng từ Nho giáo "hara hachi bu", như lời nhắc nhở hãy dừng ăn khi bụng đã no 80%. Theo một nghiên cứu đăng trên Harvard Health Publishing năm 2010, mất 15-20 phút để não phát tín hiệu rằng bụng đã đầy. Vì thế, nếu ăn chậm và áp dụng "hara hachi bu", bạn sẽ dừng ăn đúng lúc bạn thực sự no.
Đi bộ và đạp xe
Người dân Nhật Bản chủ yếu sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus và tàu điện ngầm và phải đi bộ hàng ngày để di chuyển từ nhà đến các bến. Trẻ em Nhật cũng thường đi bộ đến trường thay vì được cha mẹ đưa đón.
Người dân cũng thường đạp xe vòng quanh thành phố để đến những cửa hàng tạp hóa. Hình ảnh phụ nữ và đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi thanh thiếu niên, trung niên đạp xe với chiếc giỏ đựng hoa quả, đồ tạp hóa trở nên khá quen thuộc, đặc biệt tại những vùng ngoại ô.
Theo Healthline, đạp xe có thể giúp giảm cân, làm tăng quá trình trao đổi chất, xây dựng cơ bắp, cho phép cơ thể đốt nhiều calo hơn ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Thói quen này cũng cải thiện chức năng tổng thể ở thân dưới, tăng cường cơ bắp chân mà không gây căng thẳng quá mức cho các khớp.
Đạp xe cũng làm giảm cholesterol, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Để chứng minh phương pháp giảm cân đơn giản của người Nhật có hiệu quả, tiến sĩ Babauta đã thực hiện thử thách đi xe đạp, đi bộ mỗi ngày mà không nhịn ăn hà khắc.
Hàng ngày, ông và gia đình đi bộ khắp Tokyo. Họ tản bộ khoảng 15-20 phút mỗi sáng đến ga tàu điện ngầm, sau đó lên xuống cầu thang bộ trong hệ thống tàu điện, đi bộ thêm vài giờ để khám phá một khu vực mới ở Tokyo. Khi về đến nhà, họ cảm thấy bản thân như vừa trải qua một đợt tập cardio.
Ông cũng không tuân thủ kế hoạch ăn kiêng nào, chỉ tự nhắc nhở bản thân "ăn đến khi no, không bao giờ ăn quá no". Ông tráng miệng bằng trái cây, thỉnh thoảng ăn khoai tây chiên, ăn xen kẽ cơm trắng và gạo lứt.
Hai phương pháp đơn giản này giúp ông giảm thành công 2,2 kg trong vòng hai tuần.
Thục Linh (Theo Blue Zones)