Những ngày qua, tình trạng người dân TP HCM và một số tỉnh phía Nam đổ xô đi mua hàng thiết yếu tích trữ khiến các kệ hàng thực phẩm tươi sống tại một số siêu thị nhiều thời điểm hết sạch.
Trong cuộc họp báo chiều 13/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng đây chỉ là sự thiếu hụt cục bộ, hiện nguồn cung thực phẩm vẫn đảm bảo.
Ông Phương thông tin, hiện TP HCM chỉ còn 59 chợ truyền thống hoạt động, tuy nhiên, lượng hàng hoá về thành phố hôm nay đạt 1.900 tấn, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, tăng 100 tấn so với ngày 12/7.
Theo ông, trước đây lượng hàng về các chợ đầu mối khoảng 7.000-7.500 tấn mỗi ngày, khi dịch bùng phát, lượng hàng chỉ còn 4.500-5.000 tấn. Khi dừng 3 chợ đầu mối, lượng hàng chuyển về còn khoảng 2.000 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, kênh phân phối hàng qua siêu thị đã tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường. "Sở sẽ có biện pháp hạn chế tình trạng thiếu hàng ở các siêu thị, hàng cung ứng qua hình thức online chậm", ông nói.
Để đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu, nhất là nông sản cho các tỉnh, thành phía Nam đang bị phong toả vì dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị các địa phương này rà soát, lên kế hoạch tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh.
Riêng TP HCM, được yêu cầu cung cấp thông tin về nhu cầu lương thực, thực phẩm cần được cung ứng, đảm bảo không "đứt" hàng để phục vụ đầy đủ cho người dân.
"Các địa phương cần dự báo những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, lưu thông tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trường hợp khó khăn, kiến nghị ngay với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.
Trong khâu phân phối, kết nối cung - cầu hàng hóa, ông Trần Duy Đông, Phó ban chỉ đạo cung ứng hàng hoá cho TP HCM và các tỉnh phía Nam (Bộ Công Thương) cho hay đã đưa ra loạt giải pháp, hướng dẫn các địa phương phía Nam lên kịch bản vận chuyển, lưu thông ứng phó với các cấp độ khác nhau của dịch Covid-19.
TP HCM - tâm điểm đợt dịch Covid-19 lần này tại phía Nam, nên phương án đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đi chợ hộ hay mở thêm các điểm bán hàng lưu động, cố định tại các khu dân cư... là những kịch bản được đưa ra.
Ngày 13/7, các điểm bán hàng lưu động đầu tiên với giá bình ổn đã được các siêu thị, sàn thương mại điện tử triển khai tại nhiều quận, huyện nhất là ở khu vực phong toả. 34 điểm bán hàng lưu động bán hàng giá bình ổn đã được sàn thương mại điện tử Voso (thuộc Viettel Post) triển khai tại 18 quận, huyện của TP HCM. Các điểm bán này sẽ cung cấp 13 tấn hàng nông sản, rau, củ, quả... với giá thấp hơn hoặc bằng giá bán theo chương trình bình ổn của Sở Công Thương TP HCM.
Cùng ngày, 4 điểm bán lưu động của hệ thống siêu thị Aeon cũng được đồng loạt mở tại một số quận, huyện. Rau củ quả tươi là những mặt hàng bán chạy nhất của những "siêu thị mini" này.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mở các điểm bán lưu động vào tận khu dân cư, Bộ Công Thương cũng lên kịch bản, hướng dẫn TP HCM lập các điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức, sau đó sẽ tính tới các phương án mở thêm điểm trung chuyển tại các chợ đầu mối khác trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch.
Liên quan đến khâu vận chuyển hàng hoá, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các địa phương kịp thời xử lý khó khăn trong lưu chuyển hàng hoá nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ban phòng chống dịch các địa phương cũng được đề nghị ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông, tiêu thụ nông sản và ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng.
Trước đó, một số địa phương vì chống dịch nên từng nơi, từng lúc đưa ra quyết định "siết" vận chuyển, lưu thông hàng hoá, gây ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch, ảnh hưởng nguồn cung. Mỗi nơi lại yêu cầu thời gian hiệu lực của giấy kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 khác nhau, như Cần Thơ thì 3 ngày, Vĩnh Long thời hạn giấy này lại 7 ngày... khiến doanh nghiệp rất khó khăn.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đã có các văn bản gửi ngành y tế đề nghị thay đổi phương thức, rút thời gian xét nghiệm Covid-19 cho lái xe xuống còn 3 ngày, tạo luồng ưu tiên cho phương tiện chở hàng hoá thiết yếu...
Ngoài phối hợp liên ngành, Phó ban chỉ đạo cung ứng hàng hoá cho TP HCM và các tỉnh phía Nam nhấn mạnh, vai trò của các địa phương "rất quan trọng, có tính quyết định" để gỡ khó khâu lưu thông hàng hoá.
Giải pháp tốt nhất hiện nay, theo các chuyên gia là tạo "luồng xanh khép kín" trong luân chuyển hàng hoá giữa các địa phương lân cận và TP HCM, tức là người tham gia vận chuyển hàng "luồng xanh" được tiêm vaccine đầy đủ, quá trình chở hàng hoá không tiếp xúc với cộng đồng...
"Lúc này rất cần vai trò điều phối liên ngành từ các bộ, thống nhất quy trình và hướng dẫn địa phương thực hiện nhất quán, tránh mỗi nơi một kiểu gây khó khăn cho doanh nghiệp, ách tắc luân chuyển hàng hoá", chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất.
Anh Minh