Sáng 12/7, theo ghi nhận của VnExpress, người dân TP HCM lại đổ đến siêu thị mua thực phẩm dự trữ khiến nhiều nơi thiếu hàng cục bộ, dù nguồn cung đã tăng 7-10 lần.
Tại cuộc họp báo cuối giờ chiều cùng ngày, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương vẫn khẳng định "đủ nguồn hàng cung ứng cho người dân" và hiện tượng trên chỉ xảy ra tại một số thời điểm trong ngày. Đặc biệt tại Gò Vấp, quận có tình hình dịch bệnh căng thẳng, ông khẳng định đã đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân.
Theo cập nhật của Sở này, các siêu thị hiện có kho dự trữ lớn nên nguồn hàng vẫn tương đối ổn định. Nhưng tại các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi vốn kho hàng bé và bày bán hàng ít nên khi người tiêu dùng đến mua, quầy kệ trống rất nhanh.
Về giá cả, vị này cũng khẳng định, không có tình trạng nâng giá nhưng có một số cá nhân vào siêu thị gom hàng với số lượng lớn, bất thường và đã được lực lượng chức năng nhắc nhở.
Tính đến nay, toàn thành phố có 68 trên 273 chợ còn hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 4 siêu thị đóng cửa vì liên quan đến các ca nhiễm. Các chợ truyền thống còn lại đa số do địa phương quyết định ngưng khi không đảm bảo tiêu chí an toàn chống dịch.
Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương cũng chia sẻ có tình trạng ùn ứ cục bộ trong khâu vận chuyển thực phẩm về TP HCM từ các tỉnh.
Theo Sở Giao thông - Vận tải, TP HCM có 12 chốt lập ra để kiểm soát lưu thông với các tỉnh bạn và 312 chốt do các quận huyện chủ động lập ra để thực hiện các quy định giãn cách.
Nhờ giải pháp luồng xanh, ưu tiên xe chở hàng hoá, theo ông Nguyên Phương, xe về thành phố lưu thông thuận lợi ở các trạm đặt trên những tuyến đường có lộ giới lớn. Riêng các trạm ở nơi có lộ giới nhỏ, dòng xe bị ùn. "Ở những trạm này, xe xanh hay không cũng bị ùn ứ cục bộ", ông Phương nói.
Ngoài ra, một số tỉnh lân cận và vùng nguyên liệu cũng đang có diễn biến dịch căng thẳng nên các địa phương này cũng chủ động tổ chức các hoạt động chống dịch, làm ảnh hưởng với nguồn cung. Tuy nhiên, ông cho biết, Sở vẫn liên tục làm việc với Sở Công thương các địa phương để giải quyết tắc nghẽn phát sinh nếu có.
Trước khi TP HCM triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ đã hướng dẫn cấp mã QR, thẻ nhận diện, tạo "luồng xanh" cho các phương tiện vận tải hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân từ TP HCM đi các tỉnh và ngược lại. Đã có 17.000 phương tiện được cấp thẻ luồng xanh, chủ yếu là xe tải chở nhu yếu phẩm và các xe hàng hóa ra vào cảng. Tại cuộc họp, Phó tổng Cục trưởng Phan Thị Thu Hiền nói "đến nay các chốt kiểm soát ở khu vực phía Nam tương đối thông thoáng".
TP HCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các tài xế, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải. Thành phố có 15.000 tài xế xe tải cần tiêm chủng và hơn một nửa số này đang chờ tiêm.
Sở cũng đang khảo sát nhu cầu tiêm chủng của lượng tài xế xe hai bánh, giao hàng trên các nền tảng để đề xuất đưa vào nhóm cần được ưu tiên vaccine.
"Số tài xế taxi, xe tải của TP HCM hiện đã được tiêm sớm và nhiều nhất cả nước, để sớm đảm bảo nhân lực cho ngành vận tải, cung ứng hàng hóa cho thành phố", ông Lâm khẳng định.
Dỹ Tùng