Trả lời:
Sẹo rỗ là vấn đề thẩm mỹ thường gặp sau mụn trứng cá, gây ảnh hưởng lớn đến vẻ ngoài của người bệnh, nhất là thanh thiếu niên. Các loại sẹo rỗ bao gồm sẹo đáy nhọn (icepick scar), sẹo đáy hộp (box scar), sẹo đáy tròn (rolling scar). Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị như laser vi điểm, lăn kim, tách đáy sẹo, tiêm chất làm đầy, tái tạo da bằng hóa chất... Mỗi phương pháp có ưu thế về hiệu quả cải thiện sẹo trên từng loại sẹo rỗ khác nhau.
Vì vậy, để điều trị thành công, bước đầu tiên là bác sĩ phải khám và đánh giá đúng loại sẹo bệnh nhân đang mắc phải, tính chất sẹo, mức độ sẹo, từ đó chọn lựa cách điều trị phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân có nhiều loại sẹo khác nhau, mức độ nặng, cần kết hợp trong điều trị sẽ cho hiệu quả tối ưu hơn. Việc kết hợp như thế nào, thời gian kết hợp giữa các phương pháp tùy vào từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, chăm sóc đúng sau điều trị cũng giúp cải thiện tình trạng sẹo rỗ.
Để hết hẳn sẹo hoàn toàn là điều rất khó. Tuy nhiên khi bệnh nhân được điều trị đúng có thể đạt hiệu quả cải thiện 70-90% sẹo, giúp người bệnh lấy lại được sự tự tin về vẻ ngoài của mình. Ngược lại, việc điều trị không đúng sẽ ít hoặc không thể cải thiện được sẹo mà còn có nguy cơ gây tai biến "xấu hơn" cho bệnh nhân. Ví dụ khi điều trị laser vi điểm bóc tách, nếu không đánh giá đúng tính chất sẹo rỗ, mức độ sẹo, chọn lựa típ da bệnh nhân phù hợp, thông số mức năng lượng laser đúng và hướng dẫn chăm sóc sau điều trị... có thể gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm biểu hiện da sạm đen sau điều trị, hoặc thậm chí có thể dẫn đến tình trạng sẹo xấu hơn hay hình thành thêm các sẹo mới.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú
Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viên Da liễu TP HCM