Luật có kế thừa bổ sung so với luật Hồi tỵ được ban hành từ thời vua Lê Thánh Tông. Một trong những nội dung chính là người làm quan không được tham dự và phải lánh mặt tại những nơi thân thuộc để tránh tiếng hiềm nghi.
Luật quy định: Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản nhằm tránh việc mua rẻ của dân; không được lấy người cùng quê làm người giúp việc. Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm cùng công sở. Các lại dịch nha môn (nhân viên ở các nha môn) nếu là anh em ruột, anh em con chú, con bác cùng làm việc ở Bộ Hộ, Bộ Lại, Bộ Binh, Bộ Hình tại kinh thành và các tỉnh thì phải tách ra, chuyển đi nơi khác. Luật còn quy định không bổ nhiệm một người làm quan tại quê mẹ, quê vợ của người đó, thậm chí nơi học tập lúc nhỏ, lúc trẻ tuổi.
Các lại mục, thông lại (nhân viên ở các phủ huyện) cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình. Các quan viên từ tham biện (hạch tội, trách phạt) trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị nhưng nếu nội dung bàn việc liên quan địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự.
Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình phải báo lên cấp trên để tránh đi. Ai cố tình không báo sẽ mang trọng tội cố ý làm trái.
Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội ngoại, bạn thân,...) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay. Quan đầu tỉnh bị cấm lấy vợ trong hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu...
Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), Thự Bố chính sứ (người tạm giữ quyền trưởng quan ty Bố chính) Bình Định là Nguyễn Cấp tâu về việc hồi tháng 3 năm đó được điều đến làm Thự Bố chính sứ Quảng Trị. Lúc còn làm việc ở kinh đô, ông đã lấy người tỉnh Quảng Trị làm vợ.
Theo quy định, Bố chính, Án sát đều là chức vụ quan lớn ở một phương, các quan làm việc tại nơi dù không phải là quê chính, nhưng có ngụ cư hoặc là quê mẹ, quê vợ, hay lúc nhỏ đi học ở đó vẫn phải tâu rõ, đợi chỉ xem có phải "hồi tỵ" hay không. Trước việc này, Nguyễn Cấp đã báo cáo về hoàn cảnh của mình để đợi lệnh của vua.
Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), bổ Án sát (trưởng quan ty Án sát) Gia Định là Lê Quang Nguyên sau khi được bổ nhiệm làm Án sát Bình Định đã dâng sớ xin hồi tỵ do Gia Định là quê hương vợ. Theo đó, Án sát Vĩnh Long Nguyễn Ba được chọn thay thế làm Án sát Gia Định.
Dưới triều Nguyễn, chỉ có một số cơ quan như Khâm Thiên Giám (chuyên coi thiên văn dự báo thời tiết), Thái Y Viện (cơ quan chăm sóc sức khỏe của nhà vua) đề cao kinh nghiệm kiểu "cha truyền con nối", là ngoại lệ khi áp dụng luật Hồi tỵ.