Hầu hết các đèn ôtô đều tạo ra nhiệt khi hoạt động, do đó cần có lỗ thông gió để nhiệt độ hoạt động luôn ở mức tối ưu. Hơi ẩm từ không khí có thể đi qua những lỗ thông gió này, thâm nhập vào bên trong hộp đèn. Vào ngày mưa, độ ẩm tăng, trời lạnh đột ngột cũng sẽ khiến hơi ẩm trong đèn tăng lên.
Hơi ẩm bị đèn đốt nóng nên bám trên bề mặt, sau khi gặp nhiệt độ bên ngoài nắp đèn đang lạnh hơn, sẽ xảy ra hiện tượng ngưng tụ. Các giọt nước sẽ bẻ lệch đường đi của ánh sáng, khiến hiệu quả chiếu sáng giảm, một số trường hợp có thể làm hư hại các linh kiện bên trong nếu tình trạng kéo dài.
Thông thường, khi hiện tượng này xảy ra, tài xế không cần phải làm gì vì hơi nước sẽ tự động thoát ra qua lỗ thông hơi, thoát nước, một khi nhiệt độ môi trường bên trong và bên ngoài đã cân bằng.
Trong một số trường hợp nặng, nước đóng giọt lâu ngày, thậm chí thành vũng nước ở dưới chân đèn, rất có thể bộ đèn đã bị hư hại, ví dụ như ốp đèn nứt/vỡ khiến nước thâm nhập vào bên trong, hệ thống lỗ thoát hơi/thoát nước bị nghẽn vì bụi, côn trùng, chất bẩn, hoặc các gioăng chống thấm bị hư hại, lão hóa.
Để "chữa cháy" nhanh tình trạng nước đọng trong hộp đèn quá nhiều, có thể dùng máy sấy tóc để sấy phần lỗ thoát khí của đèn (thường nằm ở phía trong khoang máy), hoặc bề mặt ngoài của đèn ở chế độ nóng trung bình - thấp. Khi sấy sẽ khiến nước bên trong nóng lên, bốc hơi và thoát ra ngoài lỗ thoát khí. Lưu ý cách này không hiệu quả nếu lỗ thoát khí bị nghẹt, và không nên dùng nhiệt quá nóng, hoặc sấy khoảng cách quá gần vì có thể khiến đèn bị hư hại.
Đối với các trường hợp hơi ẩm, nước trong đèn không thể thoát ra ngoài vì lỗ thoát khị bị nghẹt hoặc đèn bị nứt, tài xế nên đưa xe kiểm tra tại các cơ sở sửa chữa để có thể khắc phục kịp thời, phòng tránh nước làm hư hại nặng các chi tiết điện trong hệ thống đèn. Nên chọn cơ sở sửa chữa chính hãng hoặc uy tín để thực hiện dịch vụ này, vì hệ thống đèn cần được làm đúng chuẩn để hoạt động tối ưu.
Tân Phan (theo AutoZone)