Theo các chuyên gia dinh dưỡng thuộc Trung tâm ung thư PCC Singapore, chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng trong quá trình hóa trị có thể giúp bệnh nhân phục hồi nhanh và sống khỏe hơn. Tuy nhiên có nhiều triệu chứng bất lợi xuất hiện trong và sau quá trình hóa trị ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của người bệnh. Chẳng hạn như mất cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, đau đớn, cúm, buồn nôn... khiến họ chán ăn, sụt cân.
Các bác sĩ hướng dẫn những mẹo nhỏ sau đây giúp bệnh nhân vượt qua các triệu chứng khó chịu và duy trì một chế độ ăn kiêng đầy đủ sau hóa trị:
Đối với những người mất cảm giác thèm ăn, nên:
- Thay vì chỉ ăn 3 bữa chính, hãy chia nhỏ thành 6 bữa ăn đều đặn trong ngày.
- Chuẩn bị sẵn thực đơn cho các bữa ăn hàng ngày. Có thể nhờ người giúp đỡ nấu nướng.
- Mỗi phần thức ăn đều nên chọn theo chế độ có protein và năng lượng cao.
- Bữa sáng nên có lượng calorie chiếm ít nhất 1/3 nhu cầu năng lượng mỗi ngày.
- Mang theo bữa ăn nhẹ để tiện dùng mọi lúc mọi nơi.
- Ăn những món ăn kích thích vị giác, thay đổi cách thức chế biến như tổ chức tiệc nướng ngoài trời, sử dụng chảo khi nấu ăn, sử dụng thức ăn mát hoặc cùng nhiệt độ phòng thay vì đồ ăn nóng. Khi có việc phải đi xa hãy mang các món ăn bạn yêu thích hoặc gọi thức ăn sẵn. Nên thử các món ăn mới vì khẩu vị của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian.
Bệnh nhân hay nôn và buồn nôn, nên:
- Ăn trước khi bước vào đợt hóa trị.
- Dùng những món khô như bánh giòn, bánh mì nướng đều đặn trong ngày.
- Tăng cường các món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa thay vì các bữa chính với nhiều đồ ăn khó tiêu.
- Uống nước nhâm nhi từng ngụm đều đặn trong ngày.
- Ngồi thẳng người hoặc nằm dựa nhưng phần thân trên thẳng trong vòng một tiếng sau khi ăn.
- Súc miệng sạch sẽ trước và sau khi ăn.
- Ngậm, mút đá viên, kẹo bạc hà hoặc kẹo cứng để giữ cho miệng luôn sạch sẽ.
- Các trò giải trí như xem tivi, nghẹ nhạc hoặc đọc sách có thể giúp ích nhiều trong khi ăn.
Lưu ý: Cần tránh các thực phẩm cay, nóng, thức ăn chiên kỹ và nhiều dầu mỡ, quá ngọt, bữa ăn nhiều đồ ăn và súp, thực phẩm nặng mùi. Không nên ăn hoặc uống quá nhanh, uống nước ngọt khi ăn, tránh nằm ngay sau khi ăn.
Với người bị tiêu chảy, nên:
- Uống nước luộc thịt, súp, đồ uống có chất điện giải, chuối và trái cây đóng hộp để bổ sung lượng muối và kali mất trong quá trình bị tiêu chảy.
- Uống nhiều nước, nên uống nước ở nhiệt độ thường.
- Giảm các thức ăn từ sữa cho đến khi giảm bệnh.
- Giảm ăn kẹo không đường làm từ sorbitol.
- Uống một cốc nước sau khi đi chảy.
Lưu ý: Nên tránh các món nóng, cay, thực phẩm chứa nhiều chất xơ, đồ chiên hoặc chứa nhiều dầu mỡ, không nên ăn đồ tráng miệng nhiều, hạt mầm, đậu hoặc trái cây sấy. Không ăn các loại rau thuộc họ cải như bông cải xanh, súp lơ, bắp cải. Tránh các thức uống quá nóng hoặc quá lạnh, caffeine (cà phê, trà, cola và chocolate), đồ uống từ sữa.
Táo bón
Táo bón là tình trạng đại tiện dưới 3 lần một tuần. Đây là vấn đề rất phổ biến đối với bệnh nhân ung thư. Nguyên nhân thường do thiếu nước hoặc chất xơ trong quá trình ăn kiêng, ít vận động, các liệu pháp chống ung thư như hóa trị hoặc thuốc. Trong trường hợp này, nên:
- Tăng lượng chất xơ từ trái cây, rau củ và ngũ cốc.
- Uống nước ít nhất 8-10 cốc mỗi ngày.
- Trong nhiều trường hợp, có thể áp dụng chế độ ăn kiêng ít chất xơ.
- Nếu được phép của bác sĩ, hãy tăng cường vận động và tập thể dục.
- Áp dụng các phương pháp điều trị táo bón.
>> Xem tiếp
Thi Ngoan