Trong văn bản cáo trạng truy tố diễn viên Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh), tòa viết rằng ngày 23/3, Minh Béo đã quan hệ tình dục bằng miệng với John Doe, người dưới 18 tuổi. Ngày 24/4, Minh Béo toan tính thực hiện hành vi dâm ô với John Doe số 2, trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi.
Thực chất, John Doe không phải là tên riêng mà là tên quy ước. Doe là cách gọi phi giới tính thường được dùng ở Mỹ và Canada để chỉ một người không xác định danh tính hoặc được giấu thân phận trong các vụ tố tụng. Nó cũng được sử dụng để gọi xác chết hoặc bệnh nhân không rõ danh tính.
Để thể hiện người khuyết danh được nhắc đến là nam, người Mỹ sẽ gọi họ là John Doe, còn nữ là Jane Doe. Với trẻ em, họ thường gọi là Baby Doe, hoặc Johnnie Doe và Janie Doe để thể hiện giới tính của em bé.
Năm ngoái, nước Mỹ đã chấn động trước vụ sát hại một bé gái gần ba tuổi. Một người phụ nữ ngày 25/6 phát hiện thi thể bé gái trên đường đi dạo ở Massachusetts và báo cảnh sát. Vì không xác định được danh tính nạn nhân, giới chức gọi em là Baby Doe, và dựng lại hình ảnh khuôn mặt em. Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, tiếp cận gần 50 triệu người chỉ trong hai tuần. Ba tháng sau, bé gái xấu số Baby Doe được xác định là Bella Bond, bị bạn trai của mẹ bạo hành và sát hại dã man, vì hắn cho rằng Bella bị quỷ ám.
Cái tên John Doe được sử dụng trong văn bản pháp luật tiếng Anh có lẽ sớm nhất là vào thời vua Anh Edward III (1312 - 1377), thường trong các vụ tranh chấp giữa chủ nhà và người thuê nhà. Tuy nhiên, hiện nay, các nước như Anh, Australia hay New Zealand thường sử dụng cái tên Joe Bloggs hoặc John Smith, thay vì John Doe.
Theo từ điển Oxford, John Doe thường được dùng để chỉ những người bị hại, tố cáo, hoặc đi khiếu nại. Cụ thể, trong văn bản cáo trạng, cái tên John Doe được sử dụng để ám chỉ nạn nhân các vụ giết người, lạm dụng tình dục hay khủng bố tinh thần.
Để tránh gây nhầm lẫn, nếu hai bên khuyết danh được nhắc đến trong một vụ án, tòa có thể sử dụng hai tên Doe và Roe để phân biệt. Ví dụ, vụ kiện giữa John Doe với Jane Roe. Nếu nhiều người khuyết danh cùng được liệt kê, người Mỹ có thể gọi là John Doe số 1, John Doe số 2, giống như trong cáo trạng tố tụng Minh Béo.
Để phân biệt các nạn nhân thiệt mạng, người Mỹ thường gắn thêm địa điểm xảy ra hành vi phạm tội. Ví dụ: John Doe hạt Saguache ám chỉ một người khoảng 30 - 40 tuổi, mặc áo jacket, quần sóoc đen, thiệt mạng vào tháng 10/2002 vì bị bắn vào đầu hai lần ở Saguache, Colorado. John Doe hạt Jasper là một thanh niên tóc dài, mặc áo nỉ và quần bò, được phát hiện chết vào tháng 10/1983 tại hạt này ở Indiana.
Tên gọi John Doe còn phổ biến trong văn hóa đại chúng Mỹ, xuất hiện trong các bộ phim và seri truyền hình. Phóng viên cũng có thể sử dụng cách gọi này để ám chỉ một người hay nguồn tin giấu tên. Những người có tên thật là John Doe có thể gặp phiền toái trong sinh hoạt, chẳng hạn như bị an ninh sân bay chặn lại hoặc bị nghi ngờ là một người nổi tiếng ẩn danh.
Một nhân viên cho vay có tên thật là John Doe ở Alpharetta kể lại rằng, khi phải nhập viện, các nhân viên y tế liên tục "thậm thụt" vào phòng bệnh của ông ta vì tưởng ông là một ngôi sao muốn giấu thân phận. Trong một bài báo trên NYTimes năm 2009, một người gốc Hàn sống tại Mỹ cho biết anh luôn bị các chủ nhà cho thuê và thanh tra bầu cử dò xét, vì nghi ngờ anh này muốn giấu "quá khứ đen tối".
"Tôi nói với họ rằng tên tôi là John Doe, và họ đáp lại 'không, nói cho tôi biết tên thật của anh'". "Và tôi phải xuất trình giấy tờ tùy thân để chứng minh", anh cho biết.
Xem thêm: Chiêu 'giăng lưới' cảnh sát Mỹ dùng để bắt Minh Béo
Phương Vũ