Thời tiết tại các tỉnh miền Bắc đã nồm ẩm trở lại. Đây là lúc độ ẩm trong không khí cao, khiến hơi nước ngưng tụ rồi đọng lại trên bề mặt đồ vật, đặc biệt các cửa kính. Đây là những yếu tố gây khó khăn cho việc lái xe, ảnh hưởng đến chất lượng vật liệu và sức khỏe người dùng, vì hơi nước đọng khiến nội thất ẩm ướt là môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn phát triển. Dưới đây là những cách hạn chế độ ẩm trong xe:
Để giảm độ ẩm không khí, cách làm đơn giản nhất là bật điều hòa, nên sử dụng chế độ gió trong để tránh hơi ẩm từ ngoài xâm nhập vào xe. Nhiều người thường thắc mắc nên bật điều hòa chế độ làm lạnh hay sưởi ấm thì hết ẩm. Thực tế để chế độ nào cũng được. Tuy vậy, với chế độ lạnh (so với nhiệt độ môi trường), cơ chế hút không khí (kè hơi nước) bên trong xe ra ngoài sẽ giúp xe nhanh khô hơn.
Khi mới lên xe, để nhanh hết mờ có thể bật quạt gió chọn chế độ lên kính để giải phóng bớt hơi nước bám trên mặt kính. Nếu xe đỗ lâu gây mờ kính, môi trường khi xe di chuyển đã khô hơn trong xe, nên hạ hết cửa kính để khí ẩm trong xe được đẩy ra ngoài.
Ngoài ra, một cách thức khác để giảm độ ẩm bên trong xe là sử dụng những chất hút ẩm. Các loại chất hút ẩm hiện có bán trên thị trường rất đa dạng và nhiều chủng loại, như than hoạt tính, baking soda, muối hạt, cà phê xay mịn (chưa qua sử dụng). Chủ xe chỉ cần để chất hút ẩm trong túi vải hoặc một chiếc hộp lớn, có đục nhiều lỗ nhỏ ở bề mặt, đặt dưới sàn xe, trong cốp để hút ẩm. Một chất hút ẩm giá rẻ và hiệu quả khác là cát mèo, có thành phần từ đất sét. Các chất hút ẩm trên xe nên được kiểm tra và làm khô, thay thế thường xuyên mỗi vài ngày, tùy tình hình thời tiết.
Mặt khác, chủ xe nên phơi khô các vật dụng làm bằng vải chứa bên trong xe như đệm ngồi, chăn, gối, thảm lót sàn, quần áo, giày nếu những vật này bị ẩm, vì nhiệt độ cao sẽ khiến hơi nước từ những vật dụng này bốc lên, ngưng tụ, khiến tình trạng nồm ẩm bên trong xe trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh, chủ xe có thể rắc baking soda lên bề mặt vải ẩm trong xe, để qua đêm, sau đó dùng máy hút bụi để hút sạch nhằm khử ẩm trong khoang lái. Trong mùa nồm, chuyển sang dùng thảm bằng cao su, thay vì thảm vải, là cách để hạn chế sự ẩm thấp bên trong xe hiệu quả.
Nếu bên trong xe có mùi khó chịu trong thời tiết nồm ẩm, khả năng cao đã xuất hiện nấm mốc hoặc vi khuẩn. Lúc này, cách khắc phục đơn giản là dùng dấm trong một chiếc bình phun sương, phun lên bề mặt nội thất để vệ sinh và diệt khuẩn. Dấm là dung dịch vệ sinh an toàn với mọi loại chất liệu, kể cả bề mặt da, tuy nhiên không nên lạm dụng vì dấm có tính axit nhẹ. Sau khi vệ sinh với dấm, chủ xe có thể vệ sinh lại bằng dung dịch chuyên dụng cho nội thất để xe có mùi dễ chịu hơn. Cuối cùng, dùng máy sấy để làm khô bề mặt vải bên trong xe.
Trời nồm còn làm các phương tiện có hiện tượng đọng nước trên bề mặt sơn. Do đó, các chủ xe không nên sử dụng bạt phủ, vì lượng nước đọng sẽ khó bay hơi, làm bề mặt sơn xe luôn trong tình trạng bị ướt. Ngoài ra, nhiệt độ cao cùng lượng nước đọng trên bề mặt có thể khiến lớp sơn của xe kém bền hơn. Cách tốt nhất để bảo quản xe trong điều kiện trời nồm là đỗ xe nơi thoáng mát, có mái che.
Tân Phan