Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về sự khác biệt giữa cách dạy Văn của giáo viên Việt Nam và nước ngoài.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi thường hay mơ màng nhìn ra cửa sổ. Những cành phượng xanh ngắt nay đã điểm hoa đỏ như những cánh tay vẫy gọi mùa hè về. Trên bục giảng, tiếng thầy sang sảng giảng bài, mang từng con chữ đến cho học sinh để đưa chúng em vào tương lai tươi sáng.
Nếu bạn cảm thấy đoạn văn trên hơi quen thì chắc là bạn đã từng đi học ở Việt Nam. Đó là đoạn văn thường hay thấy trong các sách văn mẫu. Đoạn văn này thật ra khá hay, và tôi vẫn viết được ra nó sau bao nhiêu năm rời ghế nhà trường. Nhưng khó ai có thể phủ nhận được rằng môn Văn gây ra bao nhiêu nỗi chán chường cho các học sinh phổ thông, trong khi các sinh viên tốt nghiệp đại học thì nhiều người bị mắng rằng không viết nổi cái đơn xin việc.
Vì sao môn Văn trở thành nỗi sợ hãi và chán chường của bao nhiêu học sinh? Và vì sao văn mẫu lại trở thành cứu cánh của học sinh và nguồn cơn than phiền của bao nhiêu giáo viên và phụ huynh? Và vì sao văn mẫu cứ tồn tại hàng chục năm nay?
(Xem thêm: Tương lai đầy lo sợ vì chưa tìm được việc)
Những ngày đi thi môn Văn ở bậc phổ thông trung học là niềm đau của nhiều học sinh. Năm tôi thi tốt nghiệp phổ thông, đề Văn ra là phân tích tác phẩm "Vợ nhặt". Đề đơn giản, rõ ràng, còn tôi thì đã chuẩn bị nên xông vào phân tích. Chị vợ đã ăn những bốn bát bánh đúc trước khi theo anh Tràng về nhà, chứng tỏ là nạn đói đã lan rộng.
Bà cụ Tứ nghe con dẫn vợ về thì khóc, bởi vì bà cụ buồn cho tình cảnh gia đình và cũng là tình cảnh của cả xã hội dưới thời thực dân Pháp. Còn bữa ăn mừng cô dâu mới thì chỉ có mấy bát cháo lỏng bỏng và một đĩa rau chuối thái rối. Tới lúc nhớ ra được cái món rau chuối ấy thì lòng dạ của tôi cũng đã rối không kém gì nó.
Vậy đó, các em học sinh đi thi môn Văn phải nhớ từng chi tiết của hàng chục tác phẩm trong cả năm học lớp 12. Rồi còn thơ nữa chứ, đề ra thơ mà mình không thuộc thì đừng hòng phân tích. Sau cùng, để cho mọi thứ khổ sở thêm, bài văn được chấm bằng ý, phải có đủ ý thế này thì mới được số điểm thế kia, rồi thêm cách hành văn, đúng chính tả ngữ pháp lại được thêm chút điểm...
(Xem thêm: Tôi bỏ đại học năm thứ 4 để bắt đầu lại ước mơ)
Trong tình cảnh đó, các giáo viên không còn cách nào ngoài việc giảng các tác phẩm có "đề cương", đưa ra các ý phân tích và bắt các học sinh học thuộc. Tới lúc này thì ít có em nào còn đủ sức lực để viết lách nên văn mẫu ra đời. Mà bảo các em học sinh chưa đủ 18 tuổi phải cảm nhận đủ thứ, từ khí thế hào hùng của Bình Ngô Đại Cáo tới tình cảm lãng mạn trong văn chương thời kỳ tiền kháng chiến chống Pháp, thì...
Cho nên việc nhớ nội dung của các tác phẩm đã được dạy và biết các ý chính mà tác phẩm phản ánh là cực kỳ vô ích. Nó chẳng giúp cho các em học sinh ấy khả năng viết một lá đơn xin việc, cũng không giúp các em ấy viết báo cáo cho sếp, lại càng không giúp các em ấy viết email để trao đổi công việc với đồng nghiệp.
Căn bệnh văn mẫu và chán ghét môn Văn của nhiều học sinh có một nguồn cơn cực kỳ đơn giản: đó là sự cố gắng quá mức để khiến việc chấm điểm Văn công bằng. Việc học các tác phẩm văn chương quan trọng là điều mà nhà trường khắp nơi ai cũng dạy, nhưng việc học Văn không phải là để học các tác phẩm ấy, nó nhằm giúp cho học sinh có khả năng đọc hiểu các vấn đề và chuyển tải thông tin tới người khác, bằng cách viết hay nói.
(Xem thêm: Không dám về nhà vì 7 năm chưa tốt nghiệp đại học)
Khi tôi đi du học ở Australia rồi Mỹ, tôi mới biết là ở bậc phổ thông và cả ở bậc đại học trong những chuyên ngành không phải văn chương, chẳng ai dạy Văn cả. Họ dạy "English", tức là tiếng Anh, và ở Việt Nam thì người ta sẽ dạy môn "tiếng Việt", chứ không phải văn học.
Và họ chấm điểm môn tiếng Anh không hề dựa vào các "ý phân tích". Họ cũng dạy các tác phẩm nổi tiếng, từ Shakespeare tới kinh Koran và Đạo Đức Kinh. Còn ngày thi thì sinh viên được đưa cho một số chủ đề trong số các bài học, vài câu gợi ý, và sinh viên muốn viết ý nào thì cứ viết.
Dù là chủ đề nào thì cũng có kèm theo đoạn thơ văn mà họ cần phân tích. Sinh viên muốn chỉ trích cũng được, muốn ca ngợi cũng tùy, và nếu cảm thấy chán ngán thì cũng chả sao. Điều quan trọng là sinh viên phải nói rõ quan điểm của mình là gì, đưa ra các lý lẽ để bảo vệ quan điểm, và viết lách sao cho dễ hiểu.
(Xem thêm: Cấm dạy thêm, học thêm chỉ là 'bắt cóc bỏ đĩa')
Nói tóm lại, Mỹ và Australia chỉ dạy học sinh cách viết và nói tiếng Anh nhằm mục đích cho họ giao tiếp với người khác trong nghề nghiệp sau này. Các tác phẩm văn chương chỉ là phương tiện để họ dạy chứ không phải là mục đích. Nói cách khác, một học sinh trung học đã được học về các tác phẩm của Martin Luther King hay là Jack London cũng không quan trọng, cái quan trọng là học sinh đó có biết ăn nói viết lách hay không.
Tôi đã tốt nghiệp lớp 12 ở Việt Nam và ngày nay tôi là một luật sư ở Mỹ. Mặc dù tôi chả biết chút gì về văn chương thời kì Phục Hưng hay sự ảnh hưởng của văn chương Mỹ La tinh đối với nền văn học nước Mỹ, nhưng tôi vẫn có thể làm một công việc lấy viết lách và ăn nói làm chính.
Nói cách khác, mặc dù tôi học các tác phẩm văn học Việt Nam, nhưng may thay tôi vẫn học được cách viết lách và diễn đạt. Nhưng mà tôi ngày xưa ít đọc văn mẫu và tôi vẫn thường chú ý phát triển cách diễn đạt riêng. Tôi phải cảm ơn các giáo viên dạy Văn của tôi ngày xưa: họ đã chấm điểm không phải chỉ dựa vào các ý.
>> Xem thêm: Học môn Sử 'chán ngắt, như vẹt và đầy áp lực'
Video được xem nhiều: Học sinh xé giấy mừng không thi tốt nghiệp môn Sử
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.