Hiện nay, việc học Văn ở trường PTTH đang được bàn luận rất nhiều. Thực tế đã chứng minh, nhiều bạn học sinh đang cảm thấy chán nản và bị áp lực khi học Văn. Đó là do tính chất của môn Văn, một môn học cần vận dụng nhiều cảm xúc? Hay do nội dung chương trình học hoặc do cách học của chúng ta?
Có rất nhiều lý do mà mỗi chúng ta đều biết và có thể đưa ra. Nhưng thay vì than vãn, tại sao chúng ta lại không chọn cho mình một cách nhìn khác về môn văn ? Ở một phương diện khác, môn văn rất gần gũi và nó không khó khăn như ta đã nghĩ.
Văn cũng như tất cả những môn học khác, nó có sức lôi cuốn riêng song hành với những thách thức khác nhau. Vì thế ta hãy chủ động tiếp cận nó để dần dần chiếm lĩnh được nó.
Như vậy, không nhất thiết bạn phải yêu thích văn, nó sẽ đến với bạn theo cách tự nhiên và đơn giản nhất.
Văn chương bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống nên cảm xúc giữa chúng có nhiều điểm tương đồng nhau. Bắt gặp những hoàn cảnh đáng thương trong cuộc sống bạn hãy đưa vào văn chương chính những ý nghĩ ban đầu mà bạn có. Đó là những ý nghĩ hay và chân thực nhất. Văn không cần bạn phải viết thật trau chuốt, mượt mà, bởi vì thước đo cho sự hay dở của bài văn còn nằm ở cảm xúc và tính chân thực của bài văn đó.
Phần lớn mỗi chúng ta chán văn bởi chưa có cách học đúng đắn. Chúng ta chỉ học vẹt phần ghi nhớ trong sách giáo khoa mà chưa hiểu được ý nghĩa và những tư tưởng sâu xa tác giả gửi gắm trong tác phẩm.
Để ghi nhớ hiệu quả, bạn hãy dùng tư duy sáng tạo của mình để suy nghĩ. Bạn nên đi chậm lại và ngẫm kĩ hơn. Bằng cách đó, bạn sẽ phát hiện ra một điều thú vị bất ngờ và chắc hẳn các bạn sẽ nhớ rất lâu. Hãy đem sự phán đoán tuyệt vời từ môn hóa vào văn. Hãy đem óc sáng tạo và tư duy nhạy bén của toán vào văn. Hãy đem óc thẩm mỹ và sự khéo tay của mỹ thuật và tạc lên những hình mẫu sáng giá trong văn…Từ đó văn không còn quá mơ hồ mà nó sẽ chứa đầy thử thách thú vị cho chúng ta khám phá.
Dẫu biết học hành vẫn rất cần điểm số, nhưng khi làm bài kiểm tra hay thi cử hãy để nó sang một bên, tập trung vào những ý nghĩ nảy nở ra trong đầu chúng ta và viết nó ra giấy. Nó không hay cũng không sao bởi đó là sản phẩm độc nhất mà ta tạo dựng được, lúc đấy mọi cố gắng của bạn sẽ được ghi nhận.
Tuy em chỉ học lớp 11 và chưa tham gia tốt nghiệp THPT, nhưng nhìn vào đề thi năm nay sẽ thấy chính người lớn cũng đang khuyên chúng ta nên vận dụng những suy nghĩ bản năng nhất , những cảm xúc thực nhất của mỗi con người vào bài văn. Điều bạn nghĩ trong đầu như thế nào hãy viết nó ra. Một khi đã dùng hết cảm xúc và tình cảm chất chứa bên trong thì tự dưng bài viết sẽ có giá trị.
Em không học giỏi môn văn và cũng không có quá nhiều kinh nghiệm làm văn. Nhưng khi thấy môn văn đang bị mọi người quên lãng như thế em không thể ngồi yên. Em muốn cất lên một tiếng nói bé nhỏ để mọi người cùng nhìn nhận lại văn ở một cặp mắt khác. Hãy đến với văn bằng cảm xúc chân thành, bạn không cần giỏi văn cũng có thể học tốt nó.
>> Xem thêm: Học môn Sử "chán ngắt, như vẹt và đầy áp lực"
Võ Nhật Giang
(Lớp 11A7V, THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai – Sóc Trăng)
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.