Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress quan điểm về vấn đề cấm dạy thêm, học thêm.
Ba mẹ tôi ngày xưa đều là giáo viên, trước khi vào được đại học Bách Khoa thì tôi cũng đã trải qua nhiều năm tháng phải học thêm. Việc dạy thêm và học thêm cũng giống như quả trứng và con gà, hai bên giáo viên và học sinh đều có lý, thế nhưng vì sao nên nỗi?
Ngày tôi còn học cấp một (những năm cuối 80 đầu 90), học thêm không hề tồn tại. Chương trình học khi ấy rất nhẹ nhàng, giáo viên dạy trên lớp là đủ. Hơn nữa, ngày ấy cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện trường chuyên, lớp chọn hay học thêm để làm gì.
Có lẽ đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Chúng tôi được chấm điểm cao thấp tùy vào bài làm sai hay đúng, tuyện nhiên không có ai bị "đì" vì không đi học thêm. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ từng cô giáo cấp một của mình vì chẳng ai thiên vị học trò cả.
Lên cấp hai thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Ngay từ lớp 6 đã có chuyện học thêm, chủ yếu là các môn chính như Toán và tiếng Anh. Khi ấy, ba mẹ đã cho tôi đi học ngoại ngữ ở trung tâm mỗi tối cùng với các anh chị học sinh lớn tuổi. Vì thế, tôi chẳng việc gì phải học thêm tiếng Anh với thầy dạy trên lớp.
Vậy thầy có "đì" những đứa không đi học thêm với thầy hay không? Cũng có, nhưng thầy chừa tôi ra. Lý do khá đơn giản là thầy định "nuôi" tôi để đi thi học sinh giỏi sau này. Chuyện học thêm đã ảnh hưởng tới tuổi thơ tôi như vậy đấy.
Nhưng càng lên cao, mọi chuyện càng rắc rối. Dần dà, thực tế chỉ rõ rằng chương trình học càng nặng. Giáo viên dạy trên lớp không đủ, mà với những học sinh cần thi vào các trường chuyên, lớp chọn thì chỉ trông chờ vào những giờ trên lớp học là không xong.
Từ lớp 8, tôi lại khăn gói đi học thêm môn Toán thôi nhưng không phải học với thầy dạy môn này trên lớp. Tôi theo học môt thầy dạy thêm có tiếng ở thị xã.
Thầy giáo này nghỉ hưu đã lâu, mở lớp dạy thêm có tiếng và tiền bạc không quan trọng, ai đóng cũng được, không đóng thì thầy miễn cho. Ngoài chương trình học trong sách giáo khoa, thầy còn dạy nâng cao thêm nữa. Lập cập theo thầy hai năm, tôi mới thi vào được trường chuyên của tỉnh.
Lên cấp ba thì mọi chuyện chuyển sang một cấp độ mới. Là học sinh của một ngôi trường chuyên cấp tỉnh có tiếng, tôi xin đảm bảo là lớp tôi chỉ có một bạn không đi học thêm gì cả, còn lại thì ai cũng học thêm Toán, Lý, Hóa để thi đại học khối tự nhiên.
Những ai định học về kinh tế thì tiếng Anh là bắt buộc. Những ai định đi về Y khoa thì phải thêm Sinh học. Có cả Văn nữa chứ, nhất là khi môn Văn có tiếng là ảnh hưởng đến điểm tốt nghiệp. Hậu quả là chúng tôi học buổi sáng ở trường, thêm hai ca học thêm từ 13-15h và 15h-17h. Tối khoảng 18h30 còn phải học tiếng Anh ở trung tâm.
Tới giờ tôi vẫn không hiểu mình làm bài tập lúc nào, làm sao có thời gian học Lịch sử hay Địa lý và làm sao mà vẫn còn sống cho tới ngày nay. Lúc ấy nếu bạn bảo tôi rằng nên dẹp bỏ dạy thêm, chắc chắn tôi sẽ phản đối.
Vì sao vậy? Đường vào đại học rất hẹp, nhất là vào các trường danh giá. Chương trình học phổ thông và yêu cầu kiến thức thi đại học cách nhau một trời một vực. Sau hết, các giáo viên thì tôi xin thẳng thắng nói là không phải ai cũng giỏi như nhau. Có người lên bục giảng cứ ấm ớ vì quên soạn bài. Lại có vị không thèm dạy vì cho rằng mình đã dạy thêm.
Để đối phó, tôi chỉ có một cách duy nhất là đi học thêm, bao giờ cũng là giáo viên giỏi có tiếng. Suốt mấy năm học cấp ba, tôi chỉ đi học một thầy duy nhất cũng là giáo viên đứng lớp - bởi lần đó tôi may mắn được học thầy giỏi.
Trong khi ấy, các giáo viên khác cũng dạy thêm đều đều. Nhiều người vẫn công tâm khi chấm điểm, có người thì công khai "đì" những đứa "dám" không đi học thêm, có người lại cho những người đi học thêm biết trước đề bài.
Đối với những giáo viên loại cuối thì tôi có thể chống đỡ bằng cách học thật giỏi để làm cho đúng. Còn với những thầy cô thẳng tay "đì" thì tôi chịu thua.
(Xem thêm: Thầy giáo tiết lộ đề thi cho học sinh học thêm, bảo sao giờ nhiều học sinh giỏi thế)
Tất cả kinh nghiệm xương máu của một đứa học trò ở trên đã nói lên điều gì? Học thêm, dạy thêm không chỉ đơn giản là chuyện có thể dẹp được. Thậm chí , các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc hay ở Hong Kong, các giáo viên dạy thêm có thể kiếm tiền triệu đô la. Chừng nào nhu cầu vào đại học còn nhiều thì việc học thêm là không tránh khỏi.
Thứ có thể tránh khỏi là tình trạng giáo viên dạy thêm học trò trong lớp của mình và gây ra hậu quả là "đì" những em không học thêm, hay cho học trò học thêm biết trước đề. Điều này để lại hậu quả rất nặng nề, khi các em học sinh mất động cơ học tập.
Các em có cố gắng nhưng vì bị "đì" mà đâm ra chán nản và học sinh đi học thêm cũng chẳng phải vì điểm cao có sẵn. Những hiện tượng này có hại cho tất cả học sinh trong lớp của thầy cô đấy.
Cách duy nhất để tránh tình trạng này có lẽ là phải ra quy định là các trung tâm học thêm được phép mở và dạy, nhưng giáo viên dạy trong các trung tâm ấy không được dạy ở các trường công. Cách này chắc sẽ khiến nhiều giáo viên trong biên chế giãy nãy và biện pháp giải quyết là tăng lương lên mức "sống được".
Việc lên án dạy thêm học thêm đã diễn ra từ rất lâu. Ngày tôi vào lớp 6 (năm 1993), thầy dạy Anh văn nói trên đã bị lập biên bản vì "tội" dạy thêm. Bây giờ tôi đã quá 30 tuổi nhưng việc dạy thêm cũng vẫn như cũ, nếu không nói là đã lan tràn tới cấp mẫu giáo.
Bởi, cấm dạy thêm học thêm cũng giống như bắt cóc bỏ đĩa. Nguồn gốc của việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu. Để giải quyết nhu cầu thì chỉ có cách quản lý nguồn cung, tức là ra quy định đối với việc dạy thêm sao cho không có chuyện "đì", đồng thời tìm cách giảm bớt nhu cầu học thêm bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa chương trình học phổ thông và yêu cầu thi đại học.
>> Xem thêm: Giải pháp giảm học thêm và tăng thu nhập cho giáo viên
'Thưa bác Thăng, chúng cháu kiệt sức vì học thêm'
Thời gian chúng cháu phải học rất nhiều, nhưng kiến thức lại không được bao nhiêu và kỹ năng sống cũng rất kém. |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống, giáo dục tại đây.