Là em trai thứ 7 trong gia đình 10 anh em (6 trai, 4 gái) tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải nghẹn ngào trước mất mát lớn. "Trong gia đình, anh Hiệu là anh cả, nhưng có vai trò như người cha, người thầy dạy dỗ chúng tôi", ông nói. Kỷ niệm về những ngày rau cháo xa xưa ăm ắp hiện về.
Từ những năm 1950 đến năm 1965, gia đình GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhận dệt bấc đèn và bít tất để đem ra chợ Đồng Xuân bán. Để có nguyên liệu dệt, mấy anh em phải chặt cây về làm sợi, thức dậy từ 3-4 giờ sáng nhuộm sợi, bất kể mùa đông rét buốt. Năm anh Hiệu 12 tuổi, trong một lần đi chặt cây về làm sợi, đã gặp tai nạn làm đứt một ngón tay.
Ông Khải vẫn nhớ lúc các anh mình dệt bấc đèn và tất. Thỉnh thoảng máy bị trục trặc, anh Hiệu phân công anh Nguyễn Anh Dũng sửa chữa máy. "Mãi đến năm sáu tuổi, tôi mới cùng các anh tham gia vào công việc này", TS Khải nhớ lại. Khi ngồi quay sợi cùng, anh luôn đặt ra những câu hỏi như chi tiết nào của máy làm guồng sợi quay, làm thế nào để bấc đèn ra nhiều hơn, máy hoạt động trên nguyên lý gì, cải tiến nó ra sao...
Sau mỗi buổi học ở trường về, anh cả luôn hỏi các em hôm nay học bài gì, ngồi nhớ lại xem trên bảng thầy giáo viết gì. "Anh nhắc chúng tôi cách rèn luyện để có trí nhớ tốt là nhớ lại bài học hôm trước. Đây chính là nền tảng để cho bài học hôm sau". Nhờ có cách dạy dỗ, kèm cặp, các em của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đều thành đạt, sáu tiến sĩ trong nhà thuộc sáu chuyên ngành khác nhau.
Khi đã trở thành nhà khoa học, mọi cuộc vui của gia đình khi có điều kiện bên nhau đều được GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tận dụng, chia sẻ quan điểm làm khoa học phải ứng dụng được vào thực tế.
"Chúng ta có thể thuyết trình về lỗ đen, lỗ trắng... nhưng đồng thời cũng phải nghĩ cách làm thế nào để đưa được quả thanh long lên máy bay", ông hay ví von. Rồi nhắc, những người đi trước trong khoa học phải truyền được cảm hứng sáng tạo đến thế hệ trẻ. "Đừng nghĩ phải có hội trường lớn, đèn đóm đầy đủ mới tổ chức nói chuyện về khoa học được. Cứ ra ngoài sân trường làm cũng được, miễn là truyền được niềm say mê yêu thích của mình sang thế hệ trẻ, giúp họ sáng tạo", anh ấy đã dạy chúng tôi như thế, TS Khải nói.
Đến bây giờ, mấy anh em mái đầu đều đã bạc, có 6 tiến sĩ, 2 phó giáo sư. "Anh vẫn nhắc chúng tôi, muốn không chết đói thì chỉ cần trồng khoai, sắn, lúa ngô, ba tháng là có cái ăn. Nhưng muốn có người hiền tài thì phải mất 30-40 năm đào tạo, rèn luyện thì mới gặt hái thành quả", TS Khải nhớ lại.
Trong sự nghiệp khoa học, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nổi tiếng thế giới về Vật lý hạt cơ bản, Vật lý lý thuyết chất rắn và quang tử, với hơn 200 công trình nghiên cứu đã công bố. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam thông qua chương trình intercosmos...
Sinh thời, ông trải qua hai cuộc hôn nhân. Sau khi người vợ đầu mất, ông kết hôn lần hai với bà Nguyễn Thị Bích Hà. Ông có một con trai cũng là tiến sĩ vật lý. Cháu nội ông cũng theo ngành vật lý, đang giảng dạy tại Pháp.
Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thông tin, lễ tang của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tổ chức từ 13h45 phút đến 14h45 phút, thứ sáu, ngày 28/1/2022 (tức 26 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Lễ truy điệu từ 14h45 phút đến 15h ngày 28/1. An táng tại nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy cùng ngày.