Biết tin GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua đời, người bạn 60 năm của ông - GS Trần Thanh Vân (88 tuổi) vô cùng đau xót. GS Vân cho biết, lúc 9h sáng ngày 23/1 (giờ địa phương) ông nhận được mail của GS Nguyễn Thị Minh Phương báo tin người bạn của họ vừa qua đời. "Tin ấy như sét đánh. Tôi có ngờ đâu", ông chia sẻ với VnExpress từ Pháp.
GS Trần Thanh Vân, còn gọi là Jean Trần Thanh Vân, người Pháp gốc Việt, hơn GS Hiệu 4 tuổi. Ông bảo họ đồng hành chặt chẽ với nhau trong 30 năm gần đây. Năm 1993, GS Trần Thanh Vân cùng GS Nguyễn Văn Hiệu khởi xướng sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam. Ông bảo, dù ở điều kiện khác nhau, họ chung chí hướng phục vụ khoa học và giáo dục, nhất là cho giới trẻ đang khao khát khoa học. Đến nay, Hội đã tổ chức thành công 15 lần các chuỗi hội nghị khoa học "Gặp gỡ Việt Nam", thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến Việt Nam.
"Làm sao tôi quên được người bạn khoa học độc nhất của tôi ở Việt Nam. Trong 30 năm xa cách nhau, người đã khuyến khích tôi về Việt Nam lần đầu tiên và đồng hành cho đến nay", GS Vân nói.
Ông kể lại thời điểm họ gặp nhau lần đầu vào tháng 7/1963 tại Siena, Italy. Đó là khoảng thời gian ba năm sau khi GS Hiệu cùng 30 người khác được gửi đi nghiên cứu ở Liên Xô (cũ). Đây là lứa trí thức đặc biệt, được Chính phủ gửi đi đào tạo ở nước ngoài nhằm xây dựng đội ngũ nhà khoa học nòng cốt cho việc thành lập các viện nghiên cứu trong nước.
Ông mô tả giáo sư Hiệu là "nhà khoa học có một không hai" và bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng ngay từ ngày đầu. Khi ông đến thăm Trung tâm năng lượng cao ở thành phố Dubna (Liên Xô - cũ) "rất cảm kích và hãnh diện khi thấy hình của anh Hiệu được treo trong sảnh chính của trung tâm cùng với GS Bogoliubov - một trong những nhà khoa học vật lý lý thuyết quan trọng nhất trong cộng đồng quốc tế", ông kể.
Ông nhớ mãi một câu chuyện nhỏ, vào năm 1997, GS Vân mời GS James Cronin, nhà Nobel Vật lý năm 1980, về giảng dạy ở Hà Nội và có cuộc nói chuyện với sinh viên đại học. Khi ấy vì không có ai phiên dịch nên GS Hiệu xung phong đảm nhiệm luôn. "Anh Hiệu giải thích cặn kẽ và hùng hồn truyền lửa cho các sinh viên", ông nhớ lại. Lúc đó, ngay cả GS Cronin dù không hiểu tiếng Việt vẫn rất ấn tượng. "Anh Hiệu rất tuyệt vời, luôn luôn cởi mở, chân tình và gần gũi với người khác", ông cho hay.
GS Vân bảo trong những đóng góp của ông với quê hương, về khoa học giáo dục đều có công lao của GS Hiệu. "Nếu không có GS Hiệu, tôi khó mà trở về Việt Nam. Dù có về đi nữa mà không có người cố vấn, có lẽ mọi mong muốn cũng tiêu tan từ lâu", ông nói, vô cùng biết ơn. Mối quan hệ của họ vượt lên trên cả công việc, coi nhau như anh em ruột thịt chia sẻ vui, buồn. "Bao nhiêu khó khăn hai anh em chúng tôi luôn cầm tay nhau vượt qua".
Lần cuối cùng hai giáo sư gặp nhau là tháng 12/2019. Khi ấy, họ bàn việc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm gặp nhau lần đầu tiên và 30 năm ra đời của Gặp gỡ Việt Nam trong năm 2023. Nhưng mọi dự định khựng lại khi cánh chim đầu đàn ngừng bay. "Anh Hiệu ra đi, tôi cảm thấy mình trở thành kẻ mồ côi, không biết làm sao để tiếp tục những dự định trong tương lai", ông xúc động.
Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam thông tin, lễ tang của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tổ chức vào hồi 13h45 phút đến 14h45 phút, thứ sáu, ngày 28/1/2022 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Lễ truy điệu vào hồi 14h45 phút đến 15h ngày 28/1. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy cùng ngày.
Như Quỳnh