Cơ quan quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết lái xe buồn ngủ là nguyên nhân gây ra ít nhất 100.000 vụ tai nạn ôtô mỗi năm tại quốc gia này, khiến 40.000 người bị thương và 1.500 người tử vong. Do đó, điều quan trọng nhất là tài xế không vận hành phương tiện khi chưa ngủ đủ giấc, hoặc có những biểu hiện của buồn ngủ như lơ mơ, mất tập trung, không thể nhớ các biển báo trên đường, tay lái loạng choạng hay đầu gật gù.
Nếu cơn buồn ngủ xảy ra khi đang lái xe, tài xế cần dừng phương tiện để chợp mắt nhanh. Các nhà khoa học cho rằng một giấc chợp mắt khoảng 15-20 phút khi buồn ngủ là đủ để giúp tài xế hồi phục độ tập trung và sự tỉnh táo. Nếu ngủ quá lâu có thể gây ra phản tác dụng, vì khi rơi vào trạng thái ngủ sâu, thường là sau khi bắt đầu ngủ khoảng 1-2 giờ, cơ thể nếu bị đánh thức sẽ dẫn đến tình trạng uể oải và suy giảm khả năng lái xe. Do đó, các giấc chợp mắt ngắn là phương án tốt nhất vào lúc này.

Chợp mắt trong vòng 15-20 phút giúp tăng sự tỉnh táo một cách hiệu quả khi lái xe đường dài. Ảnh: Hồ Tân
Cách chợp mắt an toàn trên xe
Trước khi chợp mắt, tài xế cần thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn của bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường. Đầu tiên nên chọn địa điểm dừng xe là bãi đất trống, thoáng mát, tránh xa dòng phương tiện trên đường, có người qua lại, ví dụ như bãi giữ xe trong trung tâm thương mại. Trước khi chợp mắt, tài xế có thể để lại số điện thoại trên xe, và đặt hẹn giờ 15-20 phút, đồng thời đảm bảo các cửa đã khóa, nhằm tránh kẻ gian đột nhập và trộm đồ.
Nếu ngủ trong vòng 15-20 phút, tài xế hoàn toàn có thể đóng kín cửa, nổ máy xe và bật điều hòa, nếu đỗ ở những nơi thoáng khí và có gió lưu thông. Các thí nghiệm thực tế cho thấy, nếu đỗ ở ngoài trời, kể cả sau thời gian dài, khí xả cũng sẽ được trung hòa, không bị lọt CO (carbonoxit) vào trong khoang lái. Nếu sử dụng xe thuần điện, tài xế có thể tận dụng những lúc sạc để chợp mắt nhanh trên xe.
Nếu đỗ trong hầm, không gian kín, không được nổ máy nếu đi xe xăng, dầu, vì lúc này khí xả CO có thể lọt vào trong cabin, khiến người lái bị lơ mơ, ngất và nặng nhất là tử vong.
Để dễ chợp mắt hơn, tài xế có thể ngả ghế, sử dụng gối cổ và mặt nạ che mắt. Sau khi ngủ, tài xế nên bước ra khỏi xe, thực hiện một số động tác giãn cơ hoặc đi bộ nhẹ quanh xe nhằm giúp máu lưu thông, bổ sung nước nhằm giúp cơ thể và trí não phục hồi, sảng khoái và tỉnh táo hơn. Bên cạnh đó tài xế có thể uống vài ngụm cà phê trước khi chợp mắt, vì chất caffeine có tác dụng làm đầu óc tỉnh táo hơn sau khoảng 30 phút, trùng với thời điểm thức dậy.
Các biện pháp giảm thiểu buồn ngủ khi lái xe
Lưu ý rằng chợp mắt nhanh trên xe chỉ là phương án "chữa cháy" tạm thời để giải quyết tình trạng buồn ngủ khi lái xe, tài xế không nên quá lạm dụng. Điều quan trọng là tài xế cần ngủ đủ giấc trước mỗi chuyến đi dài.
Bên cạnh đó, tài xế có thể thực hiện những biện pháp khác khi lái để tránh buồn ngủ như uống trà hoặc cà phê, nghe nhạc có tiết tấu thay đổi, dừng nghỉ mỗi 150-200 km, hạn chế ăn quá no trước chuyến đi, hoặc "đổi tài" nếu đi cùng người khác.
Đáng chú ý, một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ vào năm 1996 cho thấy 82% các vụ tai nạn do lái xe buồn ngủ là chỉ có một mình tài xế trên xe. Có nghĩa rằng nếu có người đồng hành, trò chuyện cùng tài xế, tình trạng buồn ngủ khi lái xe sẽ giảm một cách đáng kể.
Hồ Tân