Lựa chọn giày phù hợp có thể phụ thuộc vào việc bạn chạy quãng đường dài, ngắn hay trung bình. Ngoài ra, cấu tạo bàn chân mỗi người khác nhau, nên một số dòng giày sẽ mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, một số khác thì không.
Đầu tiên, bạn cần chú ý tới bề mặt đường mà bản thân thường tập luyện. Nếu phần lớn thời gian bạn tập trên mặt đường nhựa, thì giày chạy road là lựa chọn phù hợp nhất. Với nhiều lớp đệm hơn so với giày chạy đường mòn hoặc giày chạy nhẹ, giày chạy road sẽ cung cấp khả năng chống xóc tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
Nếu thường xuyên chạy đường mòn (trail), tốt nhất bạn nên chọn giày trail có đế sâu, giúp bám đường tốt hơn và hỗ trợ chịu lực cho mắt cá chân. Điều này rất quan trọng khi chạy trên địa hình không bằng phẳng. Tuy nhiên, trên đường phẳng, loại giày này có thể tạo cảm giác không thoải mái vì đinh tán đâm vào lòng bàn chân và đế nhanh bị mòn.
Nếu chạy trên cả hai loại địa hình, bạn nên xem xét mua một đôi giày đa năng. Loại giày này hoạt động tốt trên cả đường nhựa lẫn đường mòn, với một sự cân bằng giữa độ bám và độ nảy.
Trước khi chọn giày, bạn cũng nên phân tích dáng chạy của mình trước. Xem lại video và nếu có thể, nhờ chuyên gia, hoặc người có kinh nghiệm, đánh giá độ nghiêng của cơ thể, guồng chân và cách bàn chân của bạn tiếp xúc mặt đất một cách tự nhiên lúc chạy.
Dựa trên kết quả phân tích, chuyên gia có thể đề xuất cho bạn một loại giày phù hợp dựa trên hình dạng bàn chân, loại địa hình, tư thế... Lưu ý là mỗi đôi giày, mỗi thương hiệu giày sẽ có mức độ vừa vặn khác nhau ngay cả khi cùng số đo kích thước. Bạn nên chú ý chiều dài của giày, đảm bảo khoảng cách giữa ngón chân dài nhất với mũi giày dư ra ít nhất đủ để ấn ngón tay cái vào.
Nếu trước đây bạn sử dụng đế lót giày, hãy mang theo nó khi thử giày mới. Vì đế lót có thể ảnh hưởng đến độ vừa vặn và cảm giác khi mang giày. Nếu chưa từng sử dụng, bạn cũng có thể thử trải nghiệm. Đế lót có thể giúp chân bạn vừa hơn với giày, tạo cảm giác thoải mái ở gót, vòm và phần trước của bàn chân, đồng thời giảm thiểu các vấn đề như trượt, phồng rộp hay đau ống đồng.
Nghe có vẻ không liên quan, nhưng độ dày của tất cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến độ vừa vặn và thoải mái của đôi giày, đặc biệt khi chân bạn nở ra trong thời tiết nóng. Vì thế, luôn mang theo đôi tất bạn định sử dụng khi chạy lúc thử giày.
Hãy cân nhắc sử dụng tất chạy chuyên nghiệp, được thiết kế đặc biệt với phần hỗ trợ vòm chân và lớp đệm bổ sung ở phần gót chân, ngón chân. Tất bằng chất liệu cotton có vẻ thoải mái, nhưng không nên sử dụng khi chạy. Cotton giữ ẩm nên khi kết hợp với nhiệt độ cao và ma sát khi chạy, có thể khiến chân bạn bị nóng, chai, hoặc phồng rộp. Luôn đảm bảo tất cao hơn phần đuôi giày. Nếu không, tất có thể trượt xuống trong quá trình chạy, gây ra ma sát và nóng ở phía sau gót chân.
Nếu bạn đang tập để chạy marathon, bạn cần một kiểu giày khác so với khi chạy 5km. Chạy dài đòi hỏi đôi giày có phần đệm nhiều hơn còn chạy ngắn đòi hỏi tính linh hoạt từ đôi giày của bạn.
Quyết định mua giày chạy bộ quan trọng và đòi hỏi mức đầu tư lớn. Vì vậy, bạn cần kiểm tra một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua. Bề mặt thảm ở cửa hàng sẽ không thể hiện đúng cảm giác và phản ứng của giày khi chạy bộ. Do đó, nếu được, hãy yêu cầu thử giày trên máy chạy bộ trước khi mua.
Đặc biệt lưu ý, khi chọn giày chạy bộ, mục đích sử dụng là thứ quan trọng nhất chứ không phải phong cách. Đừng để bản thân bị hấp dẫn bởi những xu hướng thời trang mới nhất hoặc nhãn hiệu nổi tiếng mà không quan tâm đến chất lượng và tính năng của sản phẩm.
Thương hiệu cũng là yếu tố quan trọng, nhưng chỉ nên được xem xét sau khi bạn chắc chắn rằng đôi giày mang lại sự thoải mái, vừa vặn và có những tính năng phù hợp với mình. Mỗi thương hiệu sẽ có độ vừa vặn với bàn chân khác nhau. Cùng số đo nhưng có hãng rộng hơn, hãng chật hơn. Vì vậy, việc thử giày trước khi mua là cực kỳ quan trọng. Khác biệt nhỏ về độ vừa vặn có thể ảnh hưởng đến sự thoải mái khi sử dụng.
Giày chạy bộ được chia thành năm loại chính, dựa trên mục đích sử dụng: Giày kiểm soát chuyển động, giày chạy bộ có đệm, giày chạy ổn định, giày chạy bộ nhẹ và giày chạy trail.
Giày chạy bộ kiểm soát chuyển động được thiết kế để giảm hoặc kiểm soát chuyển động lật vào má trong bàn chân khi chạy. Đây là chuyện động tự nhiên của cơ thể nhưng không phải ai cũng có độ lật như nhau. Loại giày này thường được gợi ý cho những người có hõm chân thấp và những người thường bị lật vào trong từ vừa đến nặng. Giày chạy bộ kiểm soát chuyển động cứng hơn các loại khác và có thể hỗ trợ chỉnh dáng cho bạn.
Tương tự, giày chạy có đệm cũng hỗ trợ những người có mức độ tiếp xúc bàn chân chưa chuẩn, với phần đệm cao su bên dưới. Nhưng giày này thường được khuyến cáo dùng với những người không có mức độ lật vào trong đủ nhiều, tức bị thiếu mức nghiêng vào trong của bàn chân khi chạy.
Giày chạy bộ ổn định là sự kết hợp giữa giày kiểm soát chuyển động và đệm. Loại giày này thường được đề xuất cho những người có độ cong dáng chân bình thường. Giày chạy ổn định có khả năng nâng đỡ hõm chân và mắt cá với phần đệm ở giữa.
Giày chạy nhẹ có khả năng linh hoạt và mức giảm trọng lượng đáng kể. Nó mang lại cảm giác thoải mái và giảm mệt mỏi sau khi chạy. Đây là loại giày bạn tìm đến khi cần tăng tốc độ, rất thích hợp với các bài tập như chạy nước rút, biến tốc fartlek hay khi thi đấu.
Giày chạy trail được thiết kế đặc biệt để chạy trên mọi loại địa hình, từ mềm mại đến gồ ghề. Chúng có đế ngoài với các rãnh sâu để tăng độ bám và ổn định trên bề mặt không bằng phẳng, đồng thời bảo vệ bàn chân trên các điều kiện đường khác nhau.
Thúy Hạnh
Ngoài giày chạy, để có thêm động lực luyện tập, runner có thể đăng ký VnExpress Marathon Huế diễn ra ngày 21/4/2024 tại đây. Giải chạy hấp dẫn với cung đường đẹp, khám phá cố đô cổ kính.