Theo John Swartzberg, giáo sư lâm sàng tại Đại học California, Mỹ, thủy tinh là chất liệu tốt và an toàn do được làm bằng vật liệu tự nhiên, hóa chất vô cơ không có nguy cơ bị rò rỉ thành chất lỏng khi chai đó đựng dung dịch nóng hoặc lạnh.
Thủy tinh cũng không gây ra mùi, trong khi nhiều người sử dụng chai nhựa hoặc kim loại nhận thấy nước trong chai có vị như hóa chất hoặc thiếc. Tuy nhiên, thủy tinh có xu hướng nặng hơn kim loại hoặc nhựa. Nếu bạn lo lắng về việc chai thủy tinh dễ vỡ, có thể sử dụng các loại túi giữ nhiệt và túi chống vỡ, sốc. Theo Eric DesRoberts, quản lý cấp cao của chương trình "biển không có rác Trash Free Seas" thuộc tổ chức bảo vệ đại đương Ocean Conservancy, thủy tinh dễ vỡ và chịu nhiệt thường khó tái chế hơn vì chúng được tạo ra thông qua một quy trình sản xuất khác. Vì thế những loại thủy tinh dễ vỡ nên được tách ra khỏi các loại vật liệu tái chế.
Hầu hết chai đựng nước bằng nhựa đều được tái chế từ nhựa polyme như polypropylen và copolyester khiến cho sản phẩm tạo ra nhẹ và bền. Theo các chuyên gia, không nên sử dụng lại các chai nước sử dụng một lần, vì chúng thường được làm từ nhựa số 1 hay còn gọi là nhựa PET. Việc sử dụng nhiều lần có thể phá vỡ kết cấu của vật liệu, cho phép vi khuẩn tích tụ trong các vết nứt và rửa trong nước nóng có thể gây ra các phản ứng hóa học tạo ra chất độc hại.
Nhiều chai nhựa tái sử dụng được quảng cáo là không chứa bisphenol A (BPA), song các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu sử dụng những đồ dùng bằng nhựa này, chúng có liên quan tới sự rối loạn nội tiết tố ở người.
"Hầu hết chai nhựa ngày nay không sử dụng BPA, nhưng thay thế BPA bằng những thứ khác và chúng tôi không biết về nó", giáo sư Swbergberg cho biết.
Có nhiều nghiên cứu được thực hiện về lựa chọn các chất thay thế này, R. Thomas Zoeller, một nhà nội tiết học và giáo sư tại Đại học Massachusetts ở Amherst, người đã nghiên cứu về tác dụng hóa học của BPA, khuyến nghị sử dụng thủy tinh hoặc kim loại thay vì chai nhựa.
Tác dụng của bisphenol S, một hợp chất thường được sử dụng thay cho BPA, không được nghiên cứu ở người, nhưng một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng nó có thể bị giải phóng dễ dàng.
Nếu sử dụng chai nước bằng nhựa, ngay cả khi nó được dán nhãn là không chứa BPA, tiến sĩ Zoeller khuyên bạn nên rửa bằng tay và nước sạch vì sự kết hợp giữa nhiệt và chất tẩy rửa, hoạt động như một chất mài mòn, có thể phá vỡ các phân tử nhựa. Trước khi mua một chai nhựa, nên kiểm tra mặt dưới của nó để xem đó là loại nhựa số mấy: PET (# 1), HDPE (# 2), PVC (# 3), LDPE (# 4), PP (# 5)... Điều đó sẽ cho bạn biết loại chai nhựa được làm bằng gì và có nên tái sử dụng không.
Với kim loại, hầu hết các chai đựng nước tái chế bằng kim loại được làm từ thép không gỉ hoặc nhôm. Nhiều người vẫn nghĩ có thể có một chút kim loại rò rỉ vào chất lỏng, nhưng tiến sĩ Swartzberg cho biết, nó được coi là an toàn. "Không có rủi ro nào lớn hơn việc sử dụng các dụng cụ nấu nướng bằng thép không gỉ hoặc nhôm", tiến sĩ nói.
Tốt nhất hãy đảm bảo bất cứ chai đựng nước tái chế bằng kim loại nào bạn mua đều không được lót bằng nhựa, vì những vật liệu đó có thể chứa hóa chất độc hại.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên trước khi lựa chọn, bạn nên xem xét thói quen sử dụng, chẳng hạn như có thể mang bao nhiêu cân nặng hay yêu cầu thẩm mỹ của bạn. Điều quan trọng là chúng không được chứa BPA và tốt nhất nên dùng để đựng nước chứ không phải nước ngọt hay đồ uống có ga.
Phương Lam (Theo SMCP)