Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi điều dưỡng Lê Thị Vân Anh, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào. Bệnh ho gà lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ ho gà
Về chế độ ăn:
- Cho trẻ ăn những loại thức ăn lỏng và dễ tiêu. Nên chia ra từng bữa nhỏ để tránh tình trạng trẻ khó ăn, nôn và sặc khi ăn. Trẻ đang bú có thể bú bình thường.
- Không được nấu quá loãng, vì như vậy bé sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể.
- Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, kẽm, sắt như thịt bò, thịt gà, trứng và các loại rau xanh có màu xanh thẩm hoặc đỏ.
- Đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh cho trẻ: Sau mỗi cơn ho của trẻ, mẹ dùng khăn mềm ấm để lau sạch đờm ở miệng của trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm. Sau mỗi lần trẻ bị nôn, mẹ cần hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng. Với những trẻ nhỏ hơn, nên dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho trẻ.
- Bệnh ho gà có thể lây, cần cho trẻ cách ly trong ít nhất 4 tuần từ khi bắt đầu khởi phát triệu chứng ho. Trong quá trình chăm sóc con tại nhà, cần lưu ý đeo khẩu trang và thường xuyên dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh phòng ở và đồ chơi cho bé.
Chăm sóc trẻ:
- Không tự ý cho bé uống thuốc ho khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Giữ ấm cơ thể bé.
- Cho bé sống trong môi trường không khói thuốc lá, không bụi bẩn và hóa chất.
- Cần ân cần, kiên trì dỗ bé ăn để bé có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Vì khi ho làm cơ thể trẻ chán ăn và mệt mỏi, kèm với việc cổ họng đau và rát nên trẻ không muốn ăn.
- Nhớ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh và các vật dụng trong nhà, nhất là các đồ bé hay sử dụng. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng.
Nên tránh một số loại thức ăn:
- Các thực phẩm ngọt vì những loại thức ăn này sẽ khiến cơn ho nặng hơn.
- Các thực phẩm qua chiên rán sẽ làm cho dạ dày có cảm giác nặng hơn.
- Các thực phẩm nhiều chất béo làm cho dịch đờm tiết ra nhiều hơn mức bình thường.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay
Khi trẻ ho kèm một trong các dấu hiệu sau: Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài. Ăn kém, nôn chớ nhiều. Ngủ ít, quấy khóc. Thở nhanh, khó thở.
Cách phòng bệnh
- Tiêm phòng: Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, lên tới 90%. Vaccine ho gà nằm trong vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Các bà mẹ lưu ý nên cho con tiêm đúng thời điểm, đủ liều, đủ thời gian để đạt hiệu quả tối đa.
- Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng.
Lê Nga