Dưới đây là một số biện pháp giúp chị em giữ gìn các vùng ngực, bụng, lưng và răng miệng theo hướng dẫn của bác sĩ Lan Hải trong buổi sinh hoạt Hội quán các bà mẹ vừa diễn ra tại TP HCM.
1. Chăm sóc bộ ngực
Khi mang thai, sự thay đổi hormone, các mô ở ngực cộng với việc lưu thông máu gia tăng dẫn đến bầu ngực căng đau, có thể ngứa ran khi chạm vào. Các tĩnh mạch nổi to lên, nhìn như gân xanh ở ngay dưới da ngực. Đầu ngực cũng to hơn, màu sẫm lại, dễ dài và cương lên. Quầng vú đậm màu và rộng ra, phồng lên với những hạt Montgomery (vốn là những tuyến bã chuyên sản xuất dầu trên bầu ngực) hoạt động mạnh mẽ, nở lớn lúc mang thai.
Dù ngứa và nhức, mẹ đừng dại dột kỳ cọ làm đau chính mình. Sau này, bé rúc vào ngực mẹ tìm vú, bé sẽ chạm môi vào những hạt Montgomery đó, chúng sẽ báo cho nhũ hoa tiết sữa, đồng thời còn tiết ra mùi đặc trưng giúp bé tìm đến đúng đầu ti mẹ. Mẹ có thể sử dụng dụng cụ trợ ti (nipple former, khác với miếng dán núm vú - nipple shilds), thường được đóng gói 2 chiếc một hộp gồm 2 màng silicon, 2 chụp vú có lỗ thông khí, tạo cảm giác êm ái dễ chịu, nhưng tuyệt đối không đeo lúc đi ngủ. Hàng ngày nhớ dùng vải mềm ướt lau nhẹ nhàng phần niêm mạc trên núm vú, không dùng móng tay cậy hoặc gãi khi ngứa.
Từ tháng thứ ba mang bầu, tuyến sữa và ống dẫn sữa phát triển phì đại làm cho vú tăng kích cỡ. Nếu tuyến vú phát triển quá nhanh, da vú sẽ có vết rạn giống như da bụng, hông và hơi ngứa. Các vết rạn chính là vết sẹo dưới da, việc chữa trị sau này rất khó khăn và tốn kém. Vì thế, mẹ hãy thoa kem chống rạn lên vùng ngực, cũng như bụng, mông, hông và đùi - những vùng dễ bị rạn da.
Khi mang thai, trọng lượng cơ thể tăng lên đột ngột trong một thời gian ngắn, da không kịp phát triển để thích nghi. Mô liên kết dưới da (được tạo bởi các sợi collagen và elastin giúp da đàn hồi) bị căng giãn quá mức rồi đứt gãy, tạo thành các vết lõm dài, nhiều nhánh trông như rễ cây, cuối cùng để lại các vết rạn chằng chịt trên da. Kem chống rạn da với tinh dầu ôliu nguyên chất chứa hàm lượng vitamin A, E, D cao giúp dưỡng ẩm tự nhiên, tăng tính đàn hồi cho mô liên kết, ngăn ngừa hữu hiệu sự hình thành vết rạn và duy trì trạng thái săn chắc vốn có.
Trong ba tháng cuối thai kỳ, mẹ hãy sử dụng áo lót “đặc chủng” để hỗ trợ cho bộ ngực, tránh tình trạng chảy xệ sau này. Mẹ nên mua các loại áo ngực dành cho bà mẹ nuôi con, vì sẽ dùng luôn đến khi cho con bú. Đó là loại áo ngực cỡ to, ôm trọn bộ ngực, rộng ở phần đỉnh, lót cotton để thấm hút, dây treo đàn hồi tốt. Mẹ nên chọn chiếc áo ngực vừa vặn khi cài móc ở vị trí nhỏ nhất, bởi như thế áo sẽ có dư độ rộng khi ngực căng sữa để nuôi con, chọn dây đeo bản rộng để đỡ bị lằn thịt. Loại áo này có bán sẵn ở các cửa hàng dành cho bà mẹ sinh con.
2. Chăm sóc vùng bụng
Việc vuốt ve, massage bụng không chỉ khiến mẹ dễ chịu mà còn là một cách thai giáo rất tốt. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi chồng vuốt ve vợ, đôi khi chỉ vì vợ mà chưa chắc đã là nựng con, nhưng cái thai vẫn có xu hướng cử động và di chuyển đến gần rồi nằm cuộn tròn dưới lòng bàn tay bố. Lần sau, mỗi khi người chồng đến bên vợ và động chạm âu yếm (dù còn ở khá xa vùng bụng) cái thai đã thức dậy và háo hức chờ đợi được chơi cùng bố. Chồng có thể thoa các loại kem chống rạn, kem dưỡng thể, dầu dừa lên da bụng vợ, rồi massage nhẹ nhàng và tranh thủ trò chuyện với con. Việc massage vùng bụng cần tránh kích thích nhào nặn như đang đánh tan mỡ bụng, bởi điều này có thể làm xuất hiện cơn co tử cung.
Theo các nhà khoa học, một phút vuốt ve âu yếm bằng 5 phút nói những lời ngọt ngào yêu thương. Bé nghe được không phải bằng tai mà là bằng da. Những xung động làm lay chuyển lớp nước ối bao quanh bé và chạm đến làn da (cơ quan xúc giác có diện tích bao phủ toàn bộ thân thể con người). Sự nâng niu âu yếm trẻ thơ kích thích não của bé tiết ra những nội tiết tố giúp chúng tăng trưởng, và sự động chạm đó cũng bổ ích như thế khi trẻ đã chào đời.
3. Chăm sóc lưng
Dù phải vác "ba lô ngược" suốt ngày đêm đến mỏi rã rời, bà bầu tuyệt đối không được đấm lưng. Nên hạn chế đau lưng bằng cách chuẩn bị thêm nhiều gối để kê, chêm vào lưng, chân, đùi… khi nằm, ngồi. Bà bầu hãy thay giầy cao gót bằng giầy bệt hoặc dép xăng đan có gót cao hơn mũi khoảng 2 cm, vừa đỡ đau lưng vừa bảo đảm an toàn khi đi lại.
Luôn giữ tư thế thẳng người khi đứng hoặc ngồi, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu tại một vị trí. Có thể vận động hợp lý cho cột sống, tập luyện đều đặn 30 phút một ngày, 3 lần mỗi tuần là hợp lý.
4. Giữ vệ sinh răng miệng
Rất nhiều chị em sau khi sinh răng trở nên yếu trầm trọng do mất canxi. Ngoài ra, nếu đang mang thai mà mẹ bị mắc các bệnh về răng miệng sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi. Vì thế mẹ nên chú ý giữ vệ sinh răng miệng mỗi ngày bằng cách chải răng đúng cách và massage lợi: dùng ngón tay vuốt nhẹ lợi hàm trên ngược lên phía trên và lợi hàm dưới vuốt xuống phía dưới. Mẹ tuyệt đối không dùng răng cắn vật quá cứng như mở nút chai, tước vỏ mía, không ăn uống quá nóng hoặc quá lạnh và tập bỏ những thói quen xấu như xỉa răng, ngậm kẹo, ăn vặt.
Mẹ nên ăn những thức ăn chống lại các bệnh răng lợi (viêm nhiệt, chảy máy chân răng, chỗ mép, nha chu) như uống nước bột sắn dây, nước mơ, nước chanh… và uống nhiều nước. Uống nhiều nước không chỉ tốt cho răng miệng mà nước còn là nguyên liệu chính để hình thành nước ối cho bé và làm "mát máy". Thường khi mang bầu, cơ thể của người phụ nữ có xu hướng nóng hơn bình thường, mẹ cần 2,4 - 3 lít nước trong 24 giờ.
Kim Kim