"Kể từ ngày 1/4, khí đốt tự nhiên Nga không còn chảy sang Latvia, Estonia và Litva", Uldis Bariss, giám đốc điều hành kho chứa khí đốt tự nhiên Conexus Baltic Grid của Latvia, nói. Ông cho biết thị trường ba nước vùng Baltic giờ được cung cấp bởi nguồn khí đốt từ kho dự trữ dưới lòng đất của Latvia.
Latvia có nguồn cung khí đốt ổn định là nhờ Incukalns, một trong những kho lưu trữ khí đốt lớn nhất châu Âu và do công ty Conexus Baltic Grid điều hành. Incukalns, kho lưu trữ dưới lòng đất được xây dựng từ thời Liên Xô để đáp ứng nhu cầu cho khu vực, có tổng dung tích lên tới 4,4 tỷ mét khối, theo Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc châu Âu (UNECE).
Khí đốt thường được nạp vào kho Incukalns trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 10 hàng năm, thời điểm nhu cầu khí đốt trong khu vực thấp nhất, trước khi được bơm ra trong các tháng còn lại của năm cho khách hàng ở Latvia, Estonia và khu vực tây bắc nước Nga. Bắt đầu từ năm 2006, Litva cũng nhận khí đốt từ kho lưu trữ này.
Latvia có cấu trúc địa chất đặc biệt, với lớp sa thạch xốp nằm ở độ sâu 700-800 mét, có khả năng lưu trữ khí đốt an toàn và tiết kiệm. Đặc điểm địa chất này giúp Latvia có thể mở thêm các kho khí đốt ở ít nhất 11 địa điểm khác với tổng dung tích lên tới 50 tỷ mét khối, tương đương khoảng 10% mức tiêu thụ hàng năm của Liên minh châu Âu (EU) và bằng tổng công suất lưu trữ của toàn khối.
Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, ba nước vùng Baltic ngày càng quan tâm đến tình trạng phụ thuộc vào năng lượng Nga. Trước đây, Latvia, Litva và Estonia hoàn toàn dựa vào nguồn năng lượng Nga, vì mạng lưới cung cấp của họ được phát triển trong thời kỳ Liên Xô từ đầu những năm 1960.
Sau khi ba nước vùng Baltic trở thành các quốc gia độc lập, tình trạng này tiếp diễn, khi họ phụ thuộc gần 90% dầu mỏ và 100% khí đốt, điện từ Nga. Ba nước vùng Baltic vẫn là hòn đảo năng lượng dễ bị cô lập khỏi thị trường EU, trở thành các quốc gia thành viên EU dễ bị tổn thương nhất về an ninh năng lượng.
Hệ thống này đã cho phép Nga tận dụng vị thế của một nhà cung cấp năng lượng độc quyền để duy trì mức độ ảnh hưởng địa chiến lược với ba nước láng giềng vùng Baltic. Điều này khiến Estonia, Latvia và Litva càng dễ có nguy cơ bị tổn thương nếu Nga cắt nguồn cung cấp năng lượng.
Xu hướng này được thể hiện rõ ràng hơn dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, khi năng lượng được xem như công cụ để thúc đẩy mục tiêu chính sách đối ngoại của Nga. Moskva từng đình chỉ nguồn cung dầu cho nhà điều hành cảng Ventspils Nafta của Latvia năm 2003, nhà máy lọc dầu Mazeikiu Nafta của Litva năm 2006 và cắt cả nguồn cung cho tuyến đường sắt chở dầu tới Estonia vào năm 2007.
Trong những năm tiếp theo, ba nước vùng Baltic đã tìm cách tăng quyền tự chủ với các cơ sở năng lượng bằng cách đưa ra một số sáng kiến nhằm loại bỏ tình trạng phụ thuộc vào năng lượng Nga, đồng thời tăng cường kết nối với mạng lưới năng lượng châu Âu.
Một trong những sáng kiến như vậy là kế hoạch kết nối thị trường năng lượng Baltic (BEMIP), được ba quốc gia phát triển vào năm 2008, với mục tiêu giúp thị trường điện và khí đốt hội nhập hoàn toàn với EU, qua đó chấm dứt nguy cơ bị cô lập năng lượng.
Litva, nước tiêu thụ nhiều khí đốt hơn Estonia và Latvia, là nước đầu tiên nỗ lực chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga. Năm 2014, họ đã thuê một tàu lưu trữ khí hóa lỏng (LNG) từ công ty vận chuyển Hoegh LNG của Na Uy trong 10 năm, với chi phí 430 triệu euro. Đồng thời, Litva xây dựng cơ sở hạ tầng trên bờ cần thiết để kết nối kho lưu trữ với mạng lưới khí đốt của nước này, với chi phí 131 triệu euro.
Tàu lưu trữ khí hóa lỏng này đóng tại cảng Klaipeda, cho phép Litva chủ động nhập khẩu LNG, thay vì phải phụ thuộc vào đường ống vận chuyển khí đốt trên đất liền. EU đã hỗ trợ tài chính cho dự án của Litva và kho lưu trữ Klaipeda LNG bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2014.
Trong cùng năm đó, công ty khí đốt nhà nước Litgas của Litva đã ký hợp đồng với nhà cung cấp khí đốt Statoil của Na Uy để nhập khẩu 0,54 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ năm 2015 đến 2020. Hai bên sau đó gia hạn hợp đồng thêm 5 năm.
Hai công ty khác của Litva cũng ký hợp đồng ngắn hạn với Statoil vào năm 2016, nâng tổng lượng LNG lưu trữ tại kho Klaipeda LNG lên hơn một tỷ mét khối. Điều này đồng nghĩa vào năm 2016, Litva lần đầu tiên nhập khẩu khí đốt từ Na Uy nhiều hơn từ Nga.
Với công suất tái hóa khí hàng năm là 4 tỷ mét khối, kho lưu trữ của Litva có thể đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu khí đốt tự nhiên của khu vực Baltic. Tuy nhiên, Litva phải đối mặt với một vấn đề là hợp đồng thuê tàu lưu trữ sẽ hết hạn vào năm 2024, do đó nước này sẽ phải quyết định mua đứt con tàu hoặc gia hạn hợp đồng thuê, quyết định được cho là sẽ dễ thực hiện hơn nếu có sự hỗ trợ tài chính từ EU.
Vào tháng 12/2016, Thủ tướng Estonia, Latvia và Litva đã đồng ý thiết lập một thị trường khí đốt vùng Baltic thống nhất vào năm 2020, như một phần của nỗ lực độc lập năng lượng.
Giới quan sát nhận định nỗ lực chủ động các kho dự trữ, đa dạng hóa nguồn cung và kết nối tốt hơn với châu Âu là con đường giúp các quốc gia vùng Baltic có thể tự tin dừng mua khí đốt từ Nga, thoát khỏi tình trạng phụ thuộc năng lượng vào một nguồn duy nhất.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda kêu gọi các nước còn lại của EU noi gương ba nước vùng Baltic. "Kể từ tháng này, không còn khí đốt của Nga ở Litva", ông viết trên Twitter. "Nếu chúng tôi làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được".
Thanh Tâm (Theo Ponars Eurasia, Conexus, Reuters)