Bà mẹ mang thai cần được đảm bảo bữa ăn hàng ngày đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm thực phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng chủ yếu nhất, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ khi nhu cầu năng lượng tăng cao cho sự phát triển nhanh của thai nhi.
Bên cạnh tinh bột, thức ăn giàu đạm đến từ thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt đậu đỗ là quan trọng. Đây là các thực phẩm giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể khỏe mạnh và phòng chống các bệnh nhiễm trùng. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp khoáng chất như canxi, phospho giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi, tránh loãng xương cho mẹ. Nên chọn nguyên liệu tươi và nấu chín kỹ trước khi ăn.
Bà bầu nên bổ sung rau tươi, trái cây tươi các loại. Chúng cung cấp khoáng chất và vitamin giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp nhiều chất xơ có lợi cho chức năng tiêu hóa của bà mẹ.
Thường xuyên thay đổi đa dạng thực phẩm để vừa cung cấp tốt chất dinh dưỡng vừa tạo sự ngon miệng, nhất là khi bà mẹ bị nghén. Uống 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày, giúp cho các chức năng chuyển hóa, miễn dịch của cơ thể mẹ.
Tránh ăn thực phẩm chế biến công nghiệp vì chúng thường chứa các chất không có lợi cho sức khỏe như nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và chuyển hóa nhưng ít các khoáng chất, vitamin và chất xơ.
Theo Bộ Y tế, nếu dịch vụ khám thai không bị gián đoạn do dịch bệnh, các bà mẹ cần khám thai định kỳ tại cơ sở y tế để đảm bảo thai phát triển tốt. Cần uống viên sắt - acid folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng đều đặn hàng ngày theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Bà bầu phòng chống nCoV bằng cách vệ sinh cá nhân, tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
Thúy Quỳnh