Phí tắc nghẽn giao thông London là khoản phí tính theo ngày được áp dụng đối với các phương tiện di chuyển vào trung tâm thủ đô Anh. Trước đây, ôtô đi vào trung tâm London bị tính phí 16 USD/ngày, áp dụng từ 6h đến 19h các ngày làm việc trong tuần, trừ thứ 7 và Chủ nhật. Tuy nhiên, từ tháng 6/2020, mức phí này đã tăng lên 20 USD, áp dụng từ 7h đến 22h tất cả các ngày, trừ Giáng sinh.
Thay đổi về mức phí và thời gian áp dụng được đưa ra nhằm chống lại mức độ ô nhiễm và lưu lượng giao thông ngày càng tăng ở London sau đợt phong tỏa đầu tiên vì Covid-19. Mục tiêu khác là giúp Sở Vận tải London bù đắp khoản phí sụt giảm trong thời gian đại dịch. Dù việc tăng phí được cho là biện pháp tạm thời, giới chức thành phố chưa công bố thời điểm dự kiến kết thúc.
Phí tắc nghẽn giao thông được giới thiệu vào năm 2003 nhằm giảm lưu lượng giao thông và khí thải ở khu vực nội thành London. Trong ba năm đầu thực hiện biện pháp thu phí xe vào nội đô này, lưu lượng giao thông đã giảm 15% và tình trạng tắc nghẽn giảm 30%. Năm 2018, lưu lượng giao thông trong khu vực này đã thấp hơn 25% so với thập kỷ trước đó.
Khu vực thu phí có diện tích hơn 20 km2, tương đương 1,3% khu vực Đại London, trải dài từ phía đông thành phố tới Marylebone ở phía tây, từ Lambeth ở phía nam tới Finsbury, phía bắc sông Thames.
Hầu hết các loại ôtô đều bị thu phí khi đi vào khu vực này. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, gồm cư dân đăng ký giảm phí trước ngày 1/8/2020, người khuyết tật có giấy phép đỗ xe Blue Badge, giới chức địa phương, tổ chức từ thiện, nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) hỗ trợ đại dịch và bệnh nhân.
Theo quy định trước đó, các tài xế xe điện hay xe hybrid có mức phát thải khí CO2 không quá 75 g/km và có phạm vi lái xe hoàn toàn bằng điện tối thiểu hơn 32 km cũng được chiết khấu 100% phí vào nội đô. Nhưng từ ngày 25/10, chỉ những xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc động cơ hydro mới đủ điều kiện được miễn phí. Từ tháng 10/2025, xe điện cũng sẽ bị loại khỏi danh sách miễn giảm phí vào nội đô.
Tài xế sẽ mất 20 USD nếu thanh toán một ngày trước khi di chuyển vào nội thành và tăng lên 24 USD nếu thanh toán vào đêm hôm trước, hoặc ngày khởi hành hoặc chậm trong vòng ba ngày sau. Nếu nộp phí quá hạn, tài xế sẽ phải chịu khoản tiền phạt lên tới gần 220 USD, nhưng sẽ được giảm 50% nếu thanh toán trong vòng 14 ngày.
Ngoài ra, London cũng thiết lập khu vực phát thải cực thấp, bao gồm vùng trung tâm thủ đô và mở rộng ra các con đường vành đai Bắc và Nam, kéo dài tới Tottenham ở phía bắc và Brixton ở phía nam. Tài xế sẽ phải chịu phí 17,25 USD nếu lái xe cũ và gây ô nhiễm trong khu vực này.
Mức phí này ảnh hưởng tới các dòng ôtô chạy xăng không đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4, quy định bắt buộc từ năm 2005, và ôtô chạy bằng dầu diesel vượt quá tiêu chuẩn Euro 6, có hiệu lực từ 9/2015.
Ngoài London, thành phố Birmingham đã trở thành nơi đầu tiên ở Anh thiết lập vùng không khí sạch (CAZ) để thu phí ôtô cá nhân di chuyển vào nội đô. Kể từ ngày 1/6, những ôtô cũ gây ô nhiễm, taxi, xe tải đi vào trung tâm thành phố sẽ bị thu phí hơn 10 USD, trong khi xe buýt, xe khách và xe chở hàng trọng tải lớn bị tính phí gần 70 USD.
Ước tính 1/4 số ôtô trong thành phố sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này. Đây là động thái được các nhà vận động ca ngợi là bước ngoặt lớn đối với Birmingham, nơi có chất lượng không khí kém do quá nhiều ôtô lưu thông.
Nhiều thành phố ở Anh cũng dự định triển khai CAZ từ năm ngoái, nhưng Covid-19 đã khiến một số địa phương trì hoãn kế hoạch. Leeds thậm chí đã loại bỏ đề xuất CAZ hồi tháng 10 năm ngoái, khi tuyên bố rằng họ đã đạt các mục tiêu chất lượng không khí nhờ xe buýt, taxi và xe tải đã sử dụng những động cơ sạch hơn. Bath áp dụng CAZ hồi tháng 3, nhưng chỉ tính phí vào nội đô với các phương tiện sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Kế hoạch của Birmingham cũng từng vấp nhiều tranh cãi. Nghị sĩ Công đảng Khalid Mahmood cho rằng hội đồng thành phố đã sử dụng nhiều thông tin, dữ liệu sai lệch khi lên kế hoạch thu phí vào nội đô, đồng thời cho rằng dịch vụ xe buýt sạch và rẻ hơn là con đường hiệu quả để giúp loại bỏ không khí ô nhiễm.
Waseem Zaffar, một thành viên nội các phụ trách về giao thông và môi trường, chỉ trích Mahmood "phá hoại nỗ lực cải thiện chất lượng không khí". Zaffar dẫn dữ liệu cho thấy mức NO2 đã vượt mức cho phép ở 19 địa điểm trên toàn thành phố, đồng thời thêm rằng "ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ của hàng trăm người dân Birmingham mỗi năm".
Nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ họ ủng hộ CAZ, nhưng cũng lo ngại quy định thu phí vào nội đô sẽ tác động tới nỗ lực thu hút mọi người trở lại trung tâm thành phố.
"Mọi người dường như vẫn ngần ngại đi vào trung tâm thành phố và quy định này càng làm tăng thêm điều đó", Abdul Wahab, chủ nhà hàng Ấn Độ Varanasi, nói và lo lắng rằng CAZ sẽ khiến mọi người thích ở lại vùng ngoại ô hơn. "Tôi nghĩ họ có thể đợi thêm một chút để cho phép nền kinh tế quay lại hoạt động bình thường, trước khi áp dụng phí vào nội đô với người dân".
Richard Butler, giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) ở West Midlands, nói nên chú trọng vào lợi ích dài hạn của kế hoạch thu phí vào nội đô, với phân tích cho thấy thành phố có thể thu về 9,6 triệu USD hàng năm nếu giảm ca tử vong và nhập viện liên quan tới ô nhiễm không khí.
"Thật khó để nói thời điểm thu phí nào là phù hợp, nhưng rất nhiều người sẽ tăng cường đi lại sau thời gian phong tỏa. Vì vậy, việc đưa ra quy định vào thời điểm này có thể khuyến khích mọi người thay đổi hành vi của họ. Trước Covid-19, hầu hết các thành phố Anh luôn có quá nhiều người trong giờ cao điểm và có quá nhiều tài xế đi xe mà không chở thêm ai", Butler nói.
Nhưng một số khác lại cho rằng Birmingham đang thiếu phương tiện giao thông công cộng để cho phép mọi người giảm sử dụng phương tiện cá nhân. "Những ga tàu mới và việc mở rộng dịch vụ xe điện vẫn chưa hoàn thành, trong khi xe buýt không chạy thường xuyên như lúc bình thường. Cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng nhu cầu", Desmond Jaddoo, nhà hoạt động cộng đồng ở Birmingham, nói.
Phát ngôn viên hội đồng thành phố Birmingham cho biết CAZ chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe của thành phố.
"Chúng tôi đang đầu tư các dự án công cộng và các dự án cơ sở hạ tầng khác để cải thiện điều kiện cho người đi bộ hoặc người đi xe đạp trong thành phố. Kế hoạch về hệ thống xe buýt ở Birmingham, được công bố năm ngoái, cũng đã được cam kết đầu tư hơn 237 triệu USD để cải thiện dịch vụ", phát ngôn viên này cho hay.
Tại Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND thành phố vào cuối tháng 10. Đề án do đơn vị tư vấn Đại học Giao thông Vận tải xây dựng, đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày; dự kiến thu phí ôtô vào trung tâm thành phố từ năm 2025.
Năm 2019, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ dừng ở bước đề xuất, xin chủ trương nghiên cứu và chưa được triển khai.
Thanh Tâm (Theo Guardian, Reuters)