Khi nhà sử học nghiên cứu về hạt nhân Alex Wellerstein cố tưởng tượng về các kịch bản cho cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như nhiều chuyên gia khác, ông thấy "lạc lối".
Cuộc gặp sẽ mang hai lãnh đạo với hai cá tính được chứng minh là có xu hướng bất ổn ngồi lại với nhau, một bên là Tổng thống Trump với tính cách bốc đồng và ít kinh nghiệm chính trị, bên kia là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với sự táo bạo của tuổi trẻ và tinh thần sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được mục đích, theo New York Times.
Ông Wellerstein lo ngại sẽ có những xung đột nảy sinh khi hai lãnh đạo bước vào cuộc họp bởi đôi bên dường như đang hiểu nhầm ý nhau. Mỹ khăng khăng cho rằng Triều Tiên đang phát đi những chỉ dấu về ý định "phi hạt nhân hóa" nhưng Bình Nhưỡng có lẽ chỉ mong muốn xoa dịu dần căng thẳng bằng những phát ngôn mang tính nhượng bộ.
Xung đột thực tế
Những tuyên bố từ chính phủ hai nước cho thấy họ không chỉ đang nhắm đến các mục tiêu trái ngược mà còn thừa nhận những thực tế hoàn toàn không giống nhau, giới chuyên gia nhận định.
Hôm 20/4, Triều Tiên thông báo sẽ dừng các cuộc thử nghiệm và chương trình phát triển hạt nhân với lý do họ đã đạt được những tiến bộ công nghệ cần thiết. Theo ông Vipin Narang, giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusett (MIT), tuyên bố của Triều Tiên hàm ý họ rõ ràng "có tư cách của một cường quốc hạt nhân và các nước khác nên làm quen với điều này".
Nhưng giới chức Mỹ lại ca ngợi việc Triều Tiên dừng thử hạt nhân, tên lửa như một bước nhượng bộ quan trọng. Hai ngày sau thông báo từ Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump viết trên Twitter: Triều Tiên "đã đồng ý phi hạt nhân hóa (điều tốt đối với thế giới), đóng cửa các bãi thử nghiệm và không còn những cuộc thử nghiệm nữa".
Mặt khác, người Triều Tiên dường như nhìn nhận những đột phá về hạt nhân của họ là nguyên nhân chính khiến ông Trump đồng ý tham dự cuộc gặp thượng đỉnh, điều lâu nay Triều Tiên vẫn mong muốn để chứng minh họ đủ khả năng sánh ngang những cường quốc lớn.
Nhưng người Mỹ lại nói chính ông Kim mới là người bị dồn vào thế phải đến cuộc gặp bởi ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và những lời đe dọa hành động quân sự.
Thông báo từ lãnh đạo Kim Jong-un ngụ ý Triều Tiên đang trên đường khiến thế giới phải chấp nhận họ như họ vốn có. Song thông báo của Mỹ lại lạc quan tin tưởng Triều Tiên sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, điều mà không chuyên gia nào dám khẳng định.
Từ quan điểm của Mỹ, cuộc gặp sắp tới là kết quả được dẫn đến bởi hàng loạt áp lực liên tiếp lên Triều Tiên, vậy nên, ông Kim chắc hẳn là đang chuẩn bị để thảo luận những nhượng bộ về vấn đề hạt nhân, cây bút Max Fisher từ NYTimes đánh giá.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, người Triều Tiên lâu nay vẫn tin rằng vũ khí hạt nhân chính là công cụ răn đe hữu hiệu, mấu chốt đảm bảo cho sự tồn tại của họ. Vì thế, giới quan sát nhận định viễn cảnh Bình Nhưỡng chịu từ hạt nhân, tên lửa là "không thực tế".
Xung đột kỳ vọng
Theo bình luận viên Fisher, trước một Tổng thống Trump không chịu bị ràng buộc bởi những tiểu chuẩn quốc tế hay các nguyên tắc ngoại giao và một lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với những ưu tiên chính trị trong nước không rõ ràng, hiện rất khó để dự đoán những kết quả sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Melissa Hanham, nhà phân tích tại Viện Middlebury về Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng dù hứa hẹn dừng thử hạt nhân, tên lửa, Triều Tiên vẫn hoàn toàn có thể "phá vỡ lời hứa" sau khi đã đạt được mục đích tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.
Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận xét với áp lực phải trở về từ cuộc gặp quan trọng với một thỏa thuận đột phá, Tổng thống Trump rất dễ rơi vào cái bẫy mà Triều Tiên bày ra.
Theo bà Rapp-Hooper, sự hoài nghi ở Trump đối với các liên minh có thể dẫn ông tới quyết định giảm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực và chấp nhận chương trình hạt nhân Triều Tiên để đổi lại việc Bình Nhưỡng dừng chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới đất liền Mỹ.
"Nếu những xung đột kỳ vọng giữa hai quốc gia không thể hòa giải, các cuộc thảo luận sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ trong giận dữ và bất đồng", ông Fisher nhấn mạnh.
Ông Narang, giáo sư tại MIT, cảnh báo khoảng cách lớn trong mục tiêu, kỳ vọng cũng như nhận thức về cuộc gặp giữa Triều Tiên và Mỹ "hoặc mang lại rất nhiều cơ hội cho thương thảo, hoặc tạo ra không ít bàn đạp dẫn tới chiến tranh".
Vũ Hoàng