Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ diễn ra vào ngày 27/4. Tiếp đó, ông Kim dự kiến gặp Tổng thống Mỹ vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Mới đây, Seoul xác nhận họ đang trong quá trình thảo luận với Bình Nhưỡng và Washington về việc ký một hiệp ước chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến tranh liên Triều kết thúc hồi năm 1953 bằng một hiệp ước đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình.
Khi mà các sự kiện diễn ra quá nhanh chóng và Bắc Kinh bị rơi vào thế đứng bên lề, giới phân tích nhận định Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình phải ít nhất cân nhắc tới cái mà họ gọi là "trường hợp xấu nhất", theo New York Times.
"Việc đánh mất uy thế là vấn đề lớn đối với Trung Quốc và Chủ tịch Tập, người luôn muốn tất cả các nước khác nhìn nhận Trung Quốc như một nhân tố thiết yếu ảnh hưởng tới các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á", ông Zhang Baohui, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong, đánh giá. "Giờ đây, đột nhiên, Trung Quốc lại không còn liên quan".
Trong thông báo hồi cuối tuần trước về việc Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa, ông Kim có lẽ muốn ngầm khẳng định rằng Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân và không cần đến những cuộc thử nghiệm vũ khí nữa. Đây được xem là đòn thách thức trực tiếp nhằm vào mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của chính quyền Trump.
Washington từng nhiều lần tuyên bố các cuộc thảo luận với Triều Tiên sắp tới sẽ chỉ xoay quanh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo. Dù vậy, ông Trump dường như vẫn muốn đưa tên mình vào lịch sử với tư cách lãnh đạo Mỹ góp công chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên cạnh đó cũng đang háo hức hướng tới mục tiêu thống nhất hai miền. Vậy nên, điều Trung Quốc lo sợ nhất hiện tại là một Triều Tiên hoặc một bán đảo Triều Tiên thống nhất nghiêng về phía Mỹ, cây bút Jane Perlez từ NYTimes bình luận.
Kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, khi Trung Quốc chiến đấu bên cạnh Triều Tiên chống lại các lực lượng Hàn Quốc do Mỹ hậu thuẫn, các mối liên minh vẫn chưa thay đổi. Triều Tiên cung cấp một vùng đệm để Trung Quốc đối phó các binh sĩ Mỹ ở biên giới còn Hàn Quốc lại đóng vai trò như một căn cứ ở khu vực cho quân đội Mỹ.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng trong quá trình các bên thương thảo về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Bắc Kinh chắc chắn phải lo ngại trước viễn cảnh bàn cờ khu vực sẽ đột ngột thay đổi.
"Nếu một thỏa thuận được thống nhất giữa ông Kim và ông Trump về việc phi hạt nhân đổi lấy bình thường hóa quan hệ song phương, khu vực Đông Bắc Á có thể chứng kiến một bước điều chỉnh lớn", giáo sư Zhang nhận xét. "Trung Quốc không thể tác động tới chính sách của Triều Tiên và họ biết rõ điều ấy".
Kịch bản thay đổi khiến Bắc Kinh lo âu hơn cả là một sự thống nhất lỏng lẻo trên bán đảo Triều Tiên và các binh sĩ Mỹ vẫn duy trì hiện diện ở Hàn Quốc, thách thức vị thế của Trung Quốc ở khu vực.
Như một động thái hòa giải trước các cuộc gặp thượng đỉnh, Triều Tiên đã bãi bỏ một phần điều kiện phi hạt nhân hóa, qua đó yêu cầu 28.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc rời khỏi nước này.
Khi ông Kim Jong-un có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh ba tuần trước và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai lãnh đạo tưởng chừng như đang cùng hướng tới nỗ lực sửa chữa mối quan hệ đã bị đóng băng kể từ thời điểm ông Kim lên nắm quyền năm 2011.
Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng chuyến thăm của ông Kim "không nhằm nối lại mối quan hệ mà chủ yếu phục vụ mục đích lấy đòn bẩy lợi thế trên bàn đàm phán với Mỹ". Dụng ý ông Kim hướng đến là tạo ấn tượng với người Mỹ rằng ông hiên ngang bước tới những cuộc đàm phán và luôn được Trung Quốc hậu thuẫn. Như vậy, thực chất, Bắc Kinh vẫn chỉ đứng ngoài lề các cuộc thảo luận về tương lai bán đảo Triều Tiên.
Vũ Hoàng