Ngày 12/8, Bộ Y tế ra văn bản đề nghị các UBND tỉnh, thành phố dựa trên đánh giá tình hình thực tế từng địa phương và hướng dẫn các doanh nghiệp lên kế hoạch, phương án chống dịch phù hợp để an toàn và sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Về xét nghiệm công nhân làm việc tại doanh nghiệp áp dụng "3 tại chỗ", Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế địa phương hướng dẫn doanh nghiệp xét nghiệm sàng lọc và định kỳ hàng tuần. Nếu nhà máy không có ca mắc Covid-19 có thể xét nghiệm ít nhất 20% lao động bằng PCR mẫu gộp hoặc test nhanh, còn nếu có F0 thì xét nghiệm ít nhất 50% người lao động.
Bộ Y tế nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh gây chồng chéo. Việc kiểm tra, giám sát nhằm có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong văn bản này, Bộ Y tế cũng cho biết, mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" áp dụng thành công ở Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng lại chưa hiệu quả tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Hôm qua, tại họp báo Chính phủ, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" trong sản xuất công nghiệp vẫn là mô hình tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng việc áp dụng phương án này tại các doanh nghiệp phía Nam, nhất là tại TP HCM và các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội lộ bất cập. Ông Hải cho hay, đã đề xuất Bộ Y tế điều chỉnh mô hình sản xuất này và hai cơ quan sẽ thống nhất sửa đổi, đảm bảo chống dịch, sản xuất an toàn.
Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế trả lời VnExpress sau đó cũng cho biết, sẽ cử các đơn vị chức năng làm việc với Bộ Công Thương để sớm thống nhất điều chỉnh, đưa ra tiêu chí mới thay thế "3 tại chỗ".
Trước bất cập của mô hình "3 tại chỗ", nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất mô hình sản xuất "2 tại chỗ" (ăn uống và làm việc tại chỗ) và tiến tới tạo lập "doanh nghiệp xanh" sản xuất an toàn trong mùa dịch.
Anh Minh