Sau quá trình duy trì "3 tại chỗ" với hàng loạt chi phí gia tăng, nhiều doanh nghiệp đang lo nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể tiếp tục phương án này. Họ cho rằng, khó có thể quy định một mô hình sản xuất "cứng" với tất cả lĩnh vực, ngành hàng và cần một mô hình sản xuất thay thế, linh hoạt hơn để doanh nghiệp dễ thích ứng.
Áp dụng "3 tại chỗ" hơn một tháng qua, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành da giày không thể duy trì được sản xuất. Ngoài chi phí tăng cao, doanh nghiệp còn đối diện rủi ro bất ổn tâm lý người lao động khi sản xuất "3 tại chỗ" trong thời gian dài.
Doanh nghiệp ngành dệt may cũng gặp cảnh tương tự. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, mô hình 3 tại chỗ chỉ có thể áp dụng với doanh nghiệp ngành dệt, sợi với khu nhà xưởng rộng, ít công nhân, còn với dệt may thì không. Theo ông, "3 tại chỗ" không thể áp dụng khiên cưỡng, các địa phương cần linh hoạt trong điều hành, cũng như điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để hoạt động an toàn dựa trên tiêu chuẩn thống nhất.
Mô hình sản xuất linh hoạt, phù hợp trong bối cảnh này, theo bà Phan Thị Thanh Xuân là "2 tại chỗ" kết hợp với test nhanh cho người lao động. Tức là người lao động ăn uống và làm việc tại chỗ, và tạo một cung đường, cho phép họ được về nhà trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối kiểm soát dịch bệnh. Doanh nghiệp sàng lọc bằng cách tăng tần suất test nhanh cho người lao động và cam kết với chính quyền, còn người lao động cam kết với doanh nghiệp về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Mô hình này cũng cần y tế địa phương xem xét, phê duyệt và có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và y tế địa phương.
Đại diện Lefaso cho rằng, việc đưa ra một mô hình sản xuất mới linh hoạt để phù hợp với thực tế, điều kiện từng doanh nghiệp không có nghĩa là phủ nhận mô hình "3 tại chỗ". Doanh nghiệp nào đang thực hiện tốt "3 tại chỗ" vẫn tiếp tục duy trì, khuyến khích. Còn doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn thì linh động áp dụng các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm phòng chống dịch mà không nhất thiết phải "3 tại chỗ".
Đồng tình, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, với những địa bàn không có ca nhiễm hoặc ca nhiễm thấp thì có thể khoanh vùng diện hẹp, tạo lập "doanh nghiệp xanh" tại chỗ làm, "vùng xanh" tại chỗ ở của công nhân.
Doanh nghiệp cũng đề xuất được tự tổ chức test Covid-19 cho người lao động tại doanh nghiệp một tuần một lần và yêu cầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất an toàn với phương châm "vaccine + 5K".
"Bộ Y tế cần ban hành quy trình khi doanh nghiệp có ca nhiễm, nghi nhiễm để cách ly ngay tại nhà máy, hoặc đưa đi điều trị, nhằm bảo vệ 'vùng xanh' và tiếp tục sản xuất", bà Hương nói.
Nới lỏng các quy định "3 tại chỗ" cũng nhận được đồng tình từ phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đại diện Amcham tại Hà Nội đề nghị cho phép người lao động về nhà và doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa đón họ, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Tổ công tác Covid-19 nên được thành lập với đại diện các doanh nghiệp, để đáp ứng nhanh với các thủ tục, hỗ trợ, đồng thời cung cấp những dịch vụ liên quan.
Giải pháp tháo gỡ cho "3 tại chỗ" đã được Bộ Công Thương gửi ngành y tế tuần trước. Bộ này đề nghị, các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với diễn biến của dịch bệnh, để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Phương án "3 tại chỗ" vẫn duy trì với doanh nghiệp có đủ điều kiện và kiểm soát được an toàn dịch bệnh. Còn doanh nghiệp ở vùng an toàn, có mức độ công nhân ở tập trung cao, Bộ Công Thường đề nghị có thể điều chỉnh, cho phép người lao động về nhà. Ở đây, các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch được đưa ra tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.
Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) góp ý, thay vì "quản" doanh nghiệp sản xuất an toàn theo kiểu thủ công và rời rạc hiện nay, chính quyền địa phương cần thiết lập kênh liên thông cơ sở dữ liệu với doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo truy vết chống dịch.
Theo đó, doanh nghiệp lập cơ sở dữ liệu theo dõi sức khoẻ người lao động, gồm các thông số như lịch xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng, địa chỉ nơi ở... Dữ liệu này sẽ liên thông với chính quyền tỉnh, thành phố, thậm chí là liên tỉnh và ở cấp quốc gia, được chính quyền công nhận. Việc này giúp doanh nghiệp, chính quyền đánh giá, quản trị rủi ro và đưa ra giải pháp xử lý tình huống theo tình hình dịch bệnh từng địa phương.
"Cần có sách lược thống nhất, liên thông dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh để sống chung dài hạn với dịch, cũng như để doanh nghiệp chịu nổi cho đến khi vaccine được tiêm tương đối tại Việt Nam vào cuối năm nay", ông nói với VnExpress.
Đợt dịch thứ tư bùng phát với diễn biến và hình thái phức tạp hơn nhiều so với các đợt dịch trước đây. Vì thế, ngoài việc ứng xử linh hoạt tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng, thì cũng cần kịch bản sống chung dài hạn với dịch, cũng như tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhấn mạnh, Chính phủ không nên áp dụng cứng nhắc các mô hình phòng chống dịch, mà cần có kịch bản để sống chung dài hạn với dịch cũng như tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
"Nên phát huy các sáng kiến, tăng tính chủ động của doanh nghiệp nếu họ đảm bảo được an toàn, và có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp. Nếu không, rủi ro về mặt kinh tế là rất lớn, bởi không phải tạm đứt gãy chuỗi cung ứng mà đã gãy là gãy hẳn", ông Hiếu nói tại hội thảo trực tuyến giữa CIEM và các doanh nghiệp tuần trước.
Bất kỳ mô hình sản xuất nào cũng chỉ phát huy hiệu quả trong thời gian nhất định, nên về lâu dài giải pháp khả thi nhất mà doanh nghiệp đề cập là đẩy nhanh tiêm vaccine cho 100% người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất.
"Vaccine là vũ khí quan trọng nhất để doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại, nhưng hiện tỷ lệ tiêm vaccine khu vực sản xuất khá thấp, như doanh nghiệp da giày mới đạt 20-50%", bà Thanh Xuân nói.
Anh Minh