Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, nhiều quốc gia chủ động phát triển vaccine cây nhà lá vườn. Một số nước coi đây là khoản đầu tư dài hạn, số khác đặt cược vào vaccine nội địa để tiêm chủng ngay trong năm nay. Những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ coi vaccine là công cụ ngoại giao hiệu quả.
Trung Quốc
Hiện Trung Quốc có 4 loại vaccine nội địa, do ba hãng dược là CanSino, Sinopharm và Sinovac sản xuất. Trong đó, vaccine CanSino được điều chế theo công nghệ vector, ba loại còn lại sử dụng virus bất hoạt.
Ngày 24/12 năm ngoái, Trung Quốc phê duyệt đơn đăng ký lưu hành trên thị trường của Sinopharm, mở đường cho việc cấp phép vaccine Covid-19 đầu tiên tại nước này. Đến ngày 6/2, giới chức chấp thuận vaccine của Sinovac. Từ ngày 7/6, vaccine được phép sử dụng đối với trẻ 3-17 tuổi.
Ngoài ra, ngày 25/2, Trung Quốc phê duyệt thêm hai vaccine, một của Sinopharm, một của CanSino.
Hai loại vaccine Sinopharm hiệu quả 78% và 72,8%. Vaccine Sinovac hiệu quả 50%. Vaccine CanSino hiệu quả 62%.
Thực tế, chính quyền Trung Quốc đã cấp phép khẩn cấp và triển khai tiêm chủng có điều kiện cho một số nhóm hạn chế kể từ tháng 7 năm ngoái. Trong năm 2020, nước này tiêm phòng cho khoảng một triệu người. Tất cả vaccine khi ấy chưa hoàn thành phiên thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả.
Ngày 20/6, Trung Quốc đạt tiêm một tỷ liều vaccine Covid-19, cột mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng thế giới. Trước đó, nước này gần như đã kiểm soát được Covid-19. Người dân ban đầu ngần ngại tiêm một loại vaccine mới, chưa có kết quả thử nghiệm khi tình hình không cấp thiết. Song chiến dịch tiêm chủng tăng tốc sau đợt bùng phát ở Quảng Châu và các thành phố tại tỉnh Quảng Đông.
Ngoài sử dụng trong nước, Trung Quốc còn xuất khẩu vaccine sang nhiều nước như Singapore, Indonesia, Philippines...
Trong tháng 5-6, Tổ chức Y tế Thế giới cũng phê duyệt khẩn cấp hai loại vaccine của hãng Sinopharm và Sinovac. Danh sách vaccine được phê duyệt khẩn cấp của WHO giúp các nước trên thế giới nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu vaccine để tiêm cho người dân, đặc biệt là những quốc gia không có cơ quan quản lý tiêu chuẩn quốc tế của riêng họ.
Ấn Độ
Bên cạnh vaccine AstraZeneca chuyển giao công nghệ từ Anh, Ấn Độ sử dụng thêm vaccine Covaxin do Công ty Bharat Biotech phối hợp Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ và Viện Quốc gia Virology sản xuất.
Tháng 6 năm ngoái, sau khi nghiên cứu trên khỉ và chuột đồng, Covaxin được cấp phép thử nghiệm lâm sàng. Ngày 3/1, chính phủ Ấn Độ cấp phép khẩn cấp vaccine, trước khi Bharat Biotech báo cáo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối. Hai tháng sau, khi hàng triệu người dân đã tiêm chủng, công ty cho biết hiệu quả vaccine là 81% trong nghiên cứu lâm sàng.
Ngày 21/4, sau một thời gian triển khai chiến dịch chủng ngừa đầy tham vọng, giới chức cho biết vaccine tác dụng 78% với các ca Covid-19 nhẹ, trung bình và nặng, giảm 100% nguy cơ tử vong. Ấn Độ dự kiến phê duyệt Covaxin cho trẻ em trên 2 tuổi vào tháng 9 tới.
Sau đợt bùng phát nghiêm trọng vào tháng 4, các nhà nghiên cứu nhận định Covaxin kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta. Biến thể có đặc tính lây lan nhanh chóng và trốn tránh được phản ứng miễn dịch tạo bởi vaccine.
Bharat dự kiến sản xuất khoảng một tỷ liều vaccine mỗi năm. Công ty cũng hợp tác với Ocugen, trụ sở tại Pennsylvania để cung cấp vaccine cho thị trường Mỹ.
Cuba
Ngày 22/6, Cuba cho biết vaccine Abdala ngừa Covid-19 hiệu quả 92,28% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Trước đó, nước này tuyên bố vaccine nội địa khác là Soberana 2 hiệu quả 62%.
Cuba bắt đầu tiêm chủng cho người dân bằng vaccine Abdala và Soberana 2 kể từ tháng 5, khi chúng còn trong thử nghiệm giai đoạn hai. Nhóm ưu tiên ban đầu là người từ 60 tuổi trở lên, lao động tuyến đầu.
José Angel Portal Miranda, Bộ trưởng Y tế Công cộng, cho biết ông hy vọng được phê duyệt chính thức hai loại vaccine vào tháng 6. Song luật pháp Cuba cho phép bỏ qua bước này trong trường hợp khẩn cấp.
Khác với nhiều nước trong khu vực, Cuba không chủ trương nhập khẩu vaccine mà đặt cược vào 5 loại vaccine nội địa. Động thái được một số chuyên gia coi là mạo hiểm, song dường như đã thành công.
Giới chức cho biết họ đang phát triển các loại vaccine giá rẻ, dễ bảo quản. Tất cả có thể được cất trữ trong nhiệt độ phòng nhiều tuần, chịu được nền nhiệt cao lên tới 46 độ C. Các ưu điểm này giúp vaccine Cuba phù hợp với nước nhiệt đới, quốc gia đang phát triển hoặc thu nhập thấp, bị bỏ lại trong cuộc đua tiêm chủng.
Vaccine của Cuba ra mắt đúng thời điểm. Dù quốc đảo 11 triệu dân ghi nhận rất ít ca nhiễm nCoV trong năm 2020, số trường hợp dương tính tăng lên sau khi chính quyền cho mở cửa du lịch vào tháng 11.
Nhà chức trách đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trong năm nay.
Thục Linh (Theo NY Times, AFP, Finacial Times, Reuters)