Trên Guardian, Joseph Stiglitz - chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 2001 mới đây chia sẻ quan điểm về khó khăn của các nền kinh tế đang phát triển trong đại dịch.
Khi lây lan ra khắp các nước, Covid-19 vốn đã không quan tâm đến biên giới hay những hậu quả kinh tế sau đó. Vì vậy, đại dịch này rõ ràng là một vấn đề toàn cầu và cũng đòi hỏi một giải pháp toàn cầu, kể cả với vấn đề kinh tế.
Tác động của Covid-19 với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã bắt đầu bộc lộ. Có nhiều lý do chính đáng để tin rằng họ sẽ bị tàn phá nhiều hơn so với các nền kinh tế phát triển. Người dân ở các quốc gia thu nhập thấp có xu hướng sống gần nhau hơn. Tỷ lệ người mắc các vấn đề sức khỏe trong dân số cao hơn, khiến họ dễ lây nhiễm hơn. Và hệ thống y tế của các quốc gia này thậm chí còn thiếu sự chuẩn bị để chế ngự dịch bệnh. Ngay hệ thống y tế ở những nước phát triển gần đây cũng tỏ ra làm không tốt việc này.
Trong báo cáo ngày 30/3 sau Hội nghị về Thương mại và Phát triển, Liên Hợp quốc đã chỉ ra sơ bộ những gì sắp xảy ra với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các nền kinh tế này vốn dựa vào tăng trưởng từ xuất khẩu, nên có thể sẽ sụp đổ khi các hợp đồng kinh tế toàn cầu bị rút lại vì Covid-19. Không có gì đáng ngạc nhiên khi dòng tiền đầu tư toàn cầu cũng như giá cả hàng hóa đang giảm mạnh, cho thấy con đường đầy khó khăn phía trước với các nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
Điều này đang được phản ánh trong chênh lệch lợi suất của trái phiếu chính phủ các nước đang phát triển. Nhiều chính phủ sẽ thêm khó khăn trong việc vay những khoản mới để trả cho nợ cũ đáo hạn năm nay.
Hơn nữa, các nước đang phát triển có ít lựa chọn hơn và khó khăn hơn về cách đối phó với đại dịch. Khi mọi người chỉ kiếm được vừa đủ sống và không có phúc lợi xã hội, mất thu nhập có thể đồng nghĩa thiếu ăn. Tuy nhiên, các nước này không có điều kiện để làm theo Mỹ khi tung ra gói hỗ trợ kinh tế trị giá tới 2.000 tỷ USD.
Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 26/3, các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết làm "bất cứ điều gì cần thiết và sử dụng tất cả công cụ có sẵn để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội từ đại dịch, khôi phục tăng trưởng toàn cầu, duy trì sự ổn định thị trường và tăng cường khả năng phục hồi". Với mục tiêu đó, ít nhất hai công cụ có thể giúp giải quyết vấn đề ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Đầu tiên, quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF phải được sử dụng triệt để. SDR là một hình thức "tiền toàn cầu", mà tổ chức này được ủy quyền tạo ra khi thành lập. Với việc mọi quốc gia đều muốn bảo vệ công dân và nền kinh tế của mình trong các cuộc khủng hoảng, ý tưởng về SDR được đưa ra nhằm giúp xây dựng một công cụ hỗ trợ các quốc gia nghèo khó mà không gây thiệt hại nặng đến ngân sách của họ.
Một đợt phát hành SDR tiêu chuẩn - với khoảng 40% SDR dành cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi - sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu các nền kinh tế như Mỹ quyên góp hoặc cho vay (theo điều khoản nhượng bộ) SDR của họ cho một quỹ ủy thác dành riêng để giúp đỡ các nước nghèo. Quỹ hỗ trợ này sẽ đi kèm theo các điều kiện, ví dụ như tiền vay không được phép dùng để cho vay ngược lại nhằm mục đích giải cứu các chủ nợ.
Điều thứ hai là các nước cho vay cần phải cho họ giãn nợ. Để hiểu tại sao điều này rất quan trọng, hãy nhìn vào Mỹ. Tháng trước, Bộ Phát triển Nhà và Đô thị Mỹ tuyên bố không tịch thu nhà thế chấp được bảo hiểm liên bang trong 60 ngày. Về bản chất, đây là một phần của một chính sách hoãn trả nợ lớn hơn trên toàn bộ nước Mỹ để xoa dịu khó khăn do Covid-19 mang lại. Công nhân đang ở nhà, nhà hàng đóng cửa và các hãng hàng không đều không hoạt động. Tại sao ngân hàng lại được phép tiếp tục tăng lợi nhuận, đặc biệt là khi lãi suất của họ đã tính toán đủ cho rủi ro nợ? Nếu không giãn nợ, người vay sẽ ngập trong nợ nần sau khi dịch bệnh kết thúc.
Việc cho giãn nợ ở tầm quốc tế cũng quan trọng như vậy. Trong điều kiện hiện tại, nhiều quốc gia chỉ đơn giản là không có tiền để trả. Nếu không cho giãn, hoãn có thể dẫn đến việc mất khả năng trả nợ trên toàn cầu. Lựa chọn duy nhất của chính phủ các nước đang phát triển là mang lại thu nhập cao hơn cho các chủ nợ nước ngoài hoặc để người dân nước mình chết. Rõ ràng, phương án thứ hai không thể chấp nhận được. Do đó, cộng đồng quốc tế cần chọn lựa giữa việc cho giãn nợ một cách có trật tự hay vô tổ chức. Kịch bản sau chắc chắn dẫn đến nhiễu loạn nghiêm trọng và tốn kém cho toàn cầu.
Tất nhiên, sẽ tốt hơn nữa nếu chúng ta có một cơ chế cho việc tái cấu trúc nợ công toàn cầu. Cộng đồng quốc tế từng cố gắng đạt được điều đó vào năm 2015, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một bộ nguyên tắc chung với số phiếu ủng hộ áp đảo. Thật không may là nền tảng ấy lại thiếu sự nhập cuộc cần thiết từ các nước chủ nợ chính. Có lẽ đã quá muộn để thiết lập một hệ thống như vậy và sử dụng trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhưng chắc chắn nhiều cuộc khủng hoảng hơn nữa là điều không thể tránh khỏi. Điều đó có nghĩa việc tái cơ cấu nợ công phải được đặt ở vị trí ưu tiên trong chương trình nghị sự sau đại dịch.
Nhà thơ John Donne có một câu nói bất hủ rằng: "Không có người nào là một hòn đảo cả". Các quốc gia cũng vậy. Covid-19 đang khiến việc này càng trở nên rõ ràng. Tôi chỉ mong cộng đồng quốc tế sẽ nhìn thẳng vào sự thật đó.
Hoàng Quân (theo Guardian)