Kể cả khi đại dịch đang lan tràn khắp thế giới và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, chính phủ các nước châu Âu đã bắt đầu nghĩ đến cách làm thế nào mở cửa lại nhà máy, văn phòng và trường học mà vẫn giảm được nguy cơ lây nhiễm. Áo hôm qua (6/4) cho biết sẽ dần mở cửa lại các cửa hàng sau Lễ Phục sinh. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên làm việc này.
Áp lực đưa ra kế hoạch tái khởi động với các chính phủ đang ngày một lớn, do thiệt hại kinh tế mà các biện pháp phong tỏa gây ra đang tăng cao. Người dân cũng lo ngại nếu lệnh phong tỏa kéo dài quá lâu, họ sẽ không có đủ nguồn cung lương thực và chăm sóc y tế.
Lên kế hoạch ngay từ bây giờ có thể bảo vệ được những người dễ tổn thương, đồng thời giúp các nền kinh tế bật lại nhanh hơn khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Tuy nhiên, các nước sẽ phải rất thận trọng. Vì một bước đi sai lầm cũng có thể khiến bệnh dịch lây lan nhanh hơn, một vòng kiềm tỏa khác được áp dụng và nỗi đau kinh tế khi đó sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Tại Đức, một nhóm nhà kinh tế, luật sư và chuyên gia y tế đã đưa ra đề xuất nhằm hồi sinh dần dần nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Họ muốn cho phép một số ngành công nghiệp khôi phục hoạt động, song song với việc áp dụng các biện pháp chống dịch bệnh bùng phát trở lại. Trong báo cáo được công bố cuối tuần trước bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, nhóm này cho rằng vaccine và thuốc chữa Covid-19 khó có được trước năm 2021. Vì thế, Đức cần có phương pháp đối phó "theo kiểu marathon hơn là chạy nước rút".
"Việc lên kế hoạch cho thời kỳ chuyển tiếp này cần phải bắt đầu ngay lập tức, cả về chính trị, quản trị, cấp doanh nghiệp và các tổ chức khác", nhóm chuyên gia viết.
Đức đã yêu cầu đóng cửa trường học, nhà hàng, khu vui chơi, nơi tập luyện thể thao và hầu hết cửa hàng đến ít nhất là ngày 20/4. Việc này đang đè nặng lên nền kinh tế vốn đang trên bờ vực suy thoái. Người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert hôm qua cho biết ông chưa thể đưa ra mốc chắc chắn cho việc dỡ bỏ phong tỏa. Ifo dự báo GDP Đức giảm 20% năm nay nếu lệnh phong tỏa kéo dài 3 tháng.
Đức đến nay đã tung gói giải cứu kinh tế trị giá tới 750 tỷ euro (825 tỷ USD), gồm kích thích cho vay doanh nghiệp, mua cổ phần trong các công ty và hỗ trợ người lao động bị tạm nghỉ việc. Đây là một trong những gói kích thích lớn nhất thế giới.
Ifo cho rằng Đức nên lập một nhóm hành động ngay bây giờ, gồm các chuyên gia và đại diện của người dân. Nhóm này sẽ đưa ra các khuyến nghị về cách nới lỏng lệnh phong tỏa với công sở và nơi công cộng, cũng như khi nào các lĩnh vực nên sản xuất trở lại. Việc đi làm trở lại sẽ do người lao động tự quyết định.
Các ngành như viễn thông và sản xuất ôtô - đóng góp giá trị gia tăng lớn nhất cho nền kinh tế - nên được ưu tiên. Trong khi đó, các công việc có thể làm từ nhà nên được duy trì làm từ xa. Các nhà trẻ và trường học cũng có thể được mở sớm, do người trẻ ít có triệu chứng nặng, và phụ huynh không thể đi làm nếu nhà trẻ và trường học vẫn đóng cửa.
Các công ty sản xuất thiết bị y tế, hoặc linh kiện liên quan cũng nên được mở lại sớm. Nhà hàng và khách sạn chỉ nên được cho phép "mở lại thận trọng và có kiểm soát", do những nơi này khó giữ khoảng cách giữa người và người. Các quán bar, sàn nhảy, sự kiện có đông người nên tiếp tục ngừng lại.
Các chuyên gia nói rằng chính phủ cũng có thể thiết lập các chuẩn mực khác nhau cho từng vùng. Việc hạn chế có thể được nới lỏng đầu tiên ở những vùng có tỷ lệ lây nhiễm thấp, như nông thôn. Những vùng tạo ra được mức độ miễn dịch nhất định trong người dân cũng có thể được cho phép hoạt động lại với ít hạn chế hơn.
Dĩ nhiên, việc này đòi hỏi xét nghiệm quy mô lớn. Chính phủ cũng cần tuyên truyền, đào tạo về các biện pháp giữ vệ sinh đúng, và cách sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân.
Nhóm chuyên gia cũng khuyến nghị Đức tăng sản xuất hàng loạt thiết bị bảo hộ và khẩu trang, tăng tốc sản xuất vaccine và thuốc, đồng thời thiết lập nền tảng công nghệ thông tin cho phép lên kế hoạch chiến lược.
Dĩ nhiên, nhóm này chỉ đưa ra đề xuất. Các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp mới là những người đưa ra quyết định cuối cùng về việc khi nào thì gỡ bỏ hạn chế.
CNN cho rằng những nước đang lên kế hoạch tái khởi động nền kinh tế có thể nhìn vào Trung Quốc để rút ra bài học về những gì nên và không nên làm. Trung Quốc đã áp dụng chính sách mạnh tay nhằm bảo vệ nền kinh tế. Họ đưa ra các chiến dịch khuyến khích người dân đi làm trở lại, vực dậy niềm tin doanh nghiệp và bảo vệ các công ty khỏi phá sản.
Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD cho thiết bị y tế và việc chữa trị, bơm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng để tạo ra việc làm. Họ cũng gỡ bỏ rào chắn trên đường và cho phép người dân đi lại tự do hơn tại các khu vực dịch bệnh được kiểm soát.
Dù vậy, hiện tại còn quá sớm đến kết luận về tính hiệu quả. Các số liệu của Bắc Kinh cũng khiến nhiều người ngờ vực. Nhiều công ty còn mở cửa lại quá sớm, làm phức tạp thêm nỗ lực hồi phục. Một hãng sản xuất titan hàng đầu Trung Quốc vừa mở cửa lại vào tháng 2 thì đã phải đóng tiếp do công nhân nhiễm bệnh.
Tại Mỹ, tiến sĩ các bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci gần đây cho biết dù sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của ông, phong tỏa hoàn toàn nền kinh tế quá lâu cũng sẽ gây ra các hậu quả ngoài dự đoán. "Mọi người đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng để có lương thực", ông bình luận trên New York Times, "Mọi người có thể sẽ chết đói, sẽ ốm. Nếu bạn khiến mọi thứ gián đoạn đến mức nó không thể tồn tại, đây sẽ thực sự là một thảm họa".
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair hôm qua cũng cho biết trên BBC rằng ông "sợ hãi" với thiệt hại kinh tế mà việc phong tỏa đang gây ra cho kinh tế Anh. Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp và Kinh tế ước tính Anh đang mất 2,4 tỷ bảng (2,9 tỷ USD) mỗi ngày.
Hà Thu (theo CNN)