Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. Quyết định này đồng nghĩa Tổng thống Nga sẽ bị giới hạn nếu muốn đến những quốc gia tham gia Quy chế Rome về ICC.
Từ góc độ pháp lý, tất cả 123 thành viên ICC đều có nghĩa vụ thi hành phán quyết do các thẩm phán đưa ra. Những thành viên này gồm phần lớn các nước châu Âu, một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, nhưng không bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Bởi vậy, ông Putin vẫn có thể tự do đến các quốc gia không phải thành viên của ICC mà không phải lo ngại về lệnh bắt. Đây là lý do Tổng thống Nga nhiều khả năng vẫn tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 5 và Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9.
Ấn Độ, nước chủ nhà của SCO và G20, không phải thành viên ICC và chưa bao giờ ký hiệp ước tham gia Quy chế Rome. Ấn Độ đã tham gia rất nhiều vào các cuộc thảo luận dẫn tới việc thành lập ICC năm 1998, nhưng đã quyết định bỏ phiếu trắng khi thông qua Quy chế Rome, do văn kiện này không đưa vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt vào các hành động cấu thành tội ác chiến tranh.
Quy chế Rome được thông qua tháng 7/1998 và có hiệu lực từ tháng 7/2002, quy định mọi quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực thi quyền tài phán hình sự đối với tội phạm quốc tế. Hiệp ước cũng đề cập rằng ICC chỉ có thể can thiệp khi một quốc gia "không thể hoặc không muốn" tự tiến hành cuộc điều tra và đưa thủ phạm ra trước công lý.
Lệnh bắt của ICC chỉ có thể được các nước không phải thành viên thực hiện nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dựa vào quyết định của cơ quan này để mở cuộc điều tra. Tuy nhiên, do Nga là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và nắm quyền phủ quyết, một cuộc điều tra như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ được thông qua.
Do đó, lệnh bắt Tổng thống Nga chỉ có thể được thực hiện nếu ông Putin đặt chân tới lãnh thổ các quốc gia thành viên ICC. Trên thực tế, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann hôm 18/3 nói rằng Berlin tuân thủ lệnh của ICC và có nghĩa vụ bắt Tổng thống Nga, bàn giao cho ICC nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ Đức, quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome.
Ông Putin có thể dễ dàng né tránh khả năng này bằng cách không bao giờ đặt chân tới Đức, cũng không để chuyên cơ chở mình bay qua không phận Đức, nhằm tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.
Đức đến nay là quốc gia duy nhất công khai lên tiếng xác nhận sẽ thực thi lệnh bắt ông Putin của ICC, trong khi các nước khác đều né tránh đề cập điều này. Theo giới quan sát, thực tế đó cho thấy không phải thành viên nào của ICC cũng sẽ tuân thủ vô điều kiện quyết định của tòa.
ICC hồi tháng 3/2009 ra quyết định truy tố Omar al-Bashir, tổng thống Sudan, với cáo buộc chỉ đạo chiến dịch giết người hàng loạt, tấn công dân thường ở Darfur. Tuy nhiên, al-Bashir vẫn tiếp tục nắm quyền đến năm 2019 và Sudan đến nay chưa có ý định giao nộp ông này cho ICC.
Năm 2015, al-Bashir đến thăm Nam Phi, một thành viên của ICC. Chính phủ Nam Phi khi đó đã từ chối thực thi lệnh bắt của ICC, với lập luận rằng họ không nhận thấy "bất cứ nghĩa vụ nào theo luật pháp quốc tế hay Quy chế Rome yêu cầu bắt một nguyên thủ đang tại vị của một quốc gia không phải thành viên ICC như Sudan". Nhiều quốc gia khác mà al-Bashir đến thăm sau đó cũng từ chối bắt ông này.
Serbia, một thành viên ICC, phản đối lệnh bắt ông Putin, cho rằng điều này sẽ kéo dài xung đột ở Ukraine. "Câu hỏi của tôi là khi các ngài cáo buộc ông ấy phạm tội, các ngài giờ đây sẽ đàm phán với ai", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói ngày 19/3.
Thực tiễn tư pháp quốc tế cho thấy các quyết định bắt nguyên thủ, thậm chí là cựu nguyên thủ, đều rất phức tạp và chịu tác động lớn của quan hệ ngoại giao. Năm 1998, giới chức Anh quyết định bắt cựu độc tài Chile Augusto Pinochet ở London theo lệnh truy nã quốc tế do thẩm phán người Tây Ban Nha Baltasar Garzón ban hành.
Pinochet tuyên bố mình được hưởng quyền miễn trừ của cựu nguyên thủ. Tòa án Anh bác bỏ tuyên bố này, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là Jack Straw cuối cùng vẫn quyết định cho phép Pinochet về nước với lý do "sức khỏe yếu".
Ngay cả Chủ tịch ICC Piotr Hofmanski cũng thừa nhận dù các thẩm phán của tòa đã phát lệnh bắt, việc thực thi nó tùy thuộc vào cộng đồng quốc tế. Theo Quy chế Rome, ICC không có lực lượng cảnh sát hay bất cứ công cụ riêng nào để thi hành lệnh bắt của mình. Cơ quan này cũng không được quyền xét xử vắng mặt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng "từ quan điểm pháp lý, các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì với đất nước chúng tôi".
"Nga không phải bên tham gia Quy chế Rome về ICC và không có nghĩa vụ nào liên quan. Nga không hợp tác với ICC, các lệnh bắt do cơ quan này đưa ra vô hiệu về mặt pháp lý và vô giá trị đối với chúng tôi", bà Zakharova cho biết.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lưu ý rằng ICC không được công nhận ở Nga, đồng nghĩa lệnh bắt "vô hiệu theo quan điểm pháp lý".
Luật sư Joshua Rozenberg, chuyên gia pháp lý của BBC, thừa nhận lệnh bắt của ICC "hầu như chỉ mang tính biểu tượng" trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai, rủi ro với Tổng thống Nga có thể tăng lên tùy thuộc vào thay đổi tình hình chính trị thế giới.
"Trong tương lai, Tổng thống Nga có thể lên kế hoạch cẩn thận để chỉ tới thăm các quốc gia không ủng hộ lệnh bắt của ICC hoặc không có nghĩa vụ thực thi quyết định này", Rozenberg nhận định về nguy cơ pháp lý với ông Putin. "Nhưng dưới sức ép chính trị quốc tế hoặc yếu tố mới nổi nào đó, một quốc gia lại đổi ý, kích hoạt quy trình pháp lý có thể đưa ông đến ICC".
Các chuyên gia cho rằng khả năng kịch bản này xảy ra là cực kỳ thấp, nhưng không thể bị loại trừ hoàn toàn. "Bởi vậy, không gian hoạt động của Tổng thống Putin trong tương lai sẽ hẹp hơn", luật sư Rozenberg nói.
Huyền Lê (Theo Tribune India, Print, TASS, BBC)