Vốn đang là điểm nghẽn của nhiều lĩnh vực sản xuất như thủy sản, dệt may, gỗ trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các thị trường xuất khẩu chính giảm cầu do lạm phát, suy thoái kinh tế. Vì thế, giảm lãi suất cho vay được coi là một trong những giải pháp hàng đầu được chính phủ đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế.
Ủng hộ quan điểm này, độc giả Minh nhận định: "Lúc khó khăn, dầu sôi lửa bỏng, nhiều danh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản, thu hẹp hoạt động thì các ngân hàng vẫn báo lãi khủng, tăng trưởng cao. Thiết nghĩ, làm gì cũng phải bền vững, phát triển có hệ thống. Chính doanh nghiệp và người dân là những người nuôi ngân hàng lớn mạnh khi sử dụng dịch vụ của họ. Nên lúc này, rất cần sự chung tay, đồng lòng của các nhà băng để hỗ trợ các khách hàng đang rất khó khăn vượt qua cửa tử".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Maradona bình luận: "Năm vừa qua, các ngân hàng đều có lợi nhuận sau thuế tăng hơn vài chục phần trăm, trong khi đó các doanh nghiệp thoi thóp gồng lãi suất ngân hàng tăng cao, cùng với việc phải cắt giảm nhân sự để giảm thiểu chi phí, khiến nhiều người lao động mất việc. Rất mong các ngân hàng hãy cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Cần ấn định lãi suất cho vay giảm bao nhiêu phần trăm, để doanh nghiệp yên tâm tập trung nguồn lực đầu tư vào sản xuất, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp ở người lao động".
Tuy nhiên, độc giả Hang Nguyen nêu bất cập: "Ngân hàng đúng là có giảm lãi suất, nhưng muốn giảm 1% thì họ lại bắt phải mua thêm gói bảo hiểm khoản vay rất cao. Như nhà tôi phải trả thêm khoảng 20 triệu đồng tiền bảo hiểm khoản vay do chính ngân hàng thu. Nếu khách hàng không mua bảo hiểm thì sẽ không được vay, tính ra không những không được giảm lãi mà còn tăng hơn".
Đồng cảnh ngộ bị ngân hàng ép mua thêm bảo hiểm khi vay vốn, bạn đọc Trai Tim Viet Nam chia sẻ: "Cần kiểm soát chặt việc ngân hàng bán bảo hiểm và tư vấn bảo hiểm. Chính việc hoạt động này khiến các khoản vay bị phát sinh thêm chi phí khoảng 2% trên giá trị thực, nghĩa là người vay phải trả thêm lãi suất 2% cho gói bảo hiểm đi kèm. Tại sao mấy năm qua dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế mà đa số ngân hàng vẫn lãi lớn, trong khi người lao động và hầu hết doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn? Đó là một nghịch lý đáng suy ngẫm".
>> Nghịch lý 'doanh nghiệp phá sản, ngân hàng lãi cao'
Nhấn mạnh lợi ích nhiều mặt của việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, độc giả Manh Quang phân tích: "Ngân hàng cần rút ra bài học từ hồi 2009-2011 khi cố đua tăng lãi suất, vì nước lên thuyền lên. Nếu chỉ khách gửi được lợi mà vô hình làm mất khách vay và gia tăng nợ xấu thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Đối với ngân hàng, giảm lãi suất là thượng sách đối với họ, lại vừa là một mũi tên trúng ba đích: giữ chân được khách hàng vay, không gia tăng nợ xấu, đồng thời vẫn duy trì được lợi nhuận trong thời kỳ kinh tế khó khăn này.
Còn với người gửi, tôi tin dù lãi suất có giảm nữa thì họ vẫn phải gửi vì ngân hàng là nơi cất giữ tiền an toàn nhất, không rủi ro và lúc nào cần tiền là rút ra được ngay. Những người về hưu, trên 65 tuổi thì 90% đều chọn kênh gửi ngân hàng cho an toàn để dưỡng già chứ họ không dám liều để đầu tư bất động sản, hay chứng khoán, tiền ảo như lớp trẻ. Thế nên các ngân hàng cũng không cần lo mất khách hàng tiền gửi khi giảm lãi suất".
Đề xuất giải pháp giải cứu nền kinh tế, bạn đọc Lam Van Trinh cho rằng: "Ngân hàng phải ấn định luôn lãi suất cho vay, các loại phí và không được bán bảo hiểm kèm theo ở một con số cụ thể (ví dụ không được vượt quá 7%/năm). Đó mới là hành động có ý nghĩa để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn vay vốn.
Đây là lúc cần cứu nền kinh tế nên phải áp dụng ngay trong ngắn hạn như sáu tháng, một năm... để các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay biết đường mà tính chi phí. Như bây giờ, để vay được ngân hàng, người vay phải chấp nhận điều kiện thay đổi lãi suất theo thị trường cứ ba tháng một lần, rất khó để tính toán và theo kịp".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.