Vai trò của liều vaccine tăng cường
Vaccine giúp bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus và vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, lượng kháng thể có được sau khi tiêm đủ liều vaccine thường giảm dần theo thời gian, từ đó khiến khả năng miễn dịch và khả năng bảo vệ lâm sàng cũng bị suy giảm. Đến một lúc nào đó, cơ thể sẽ không còn đủ sức để chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Lúc này, liều tăng cường hay liều nhắc lại sẽ được sử dụng để khôi phục hiệu quả của các loại vaccine.
Liều tăng cường "đánh lừa" hệ thống miễn dịch rằng mầm bệnh đang tấn công vào cơ thể, từ đó kích thích hệ thống này sản sinh thêm kháng thể và các tế bào miễn dịch. Nhiều kháng thể có khả năng liên kết chặt chẽ hơn với mục tiêu của chúng sẽ được hình thành, giúp hệ miễn dịch nhận biết tốt hơn các biến thể có nhiều đột biến cũng như nâng cao khả năng bảo vệ.

Việc tiêm liều tăng cường là cần thiết nếu khả năng miễn dịch bị suy giảm theo thời gian. Ảnh: VNVC
"Liều tăng cường" khác với "liều bổ sung". Liều tăng cường được sử dụng cho những người đã đạt được hiệu quả bảo vệ thích hợp sau khi tiêm đầy đủ các liều vaccine cơ bản. Tuy nhiên, sau một thời gian, hiệu quả này bắt đầu suy yếu và cần được khôi phục để giúp cơ thể duy trì mức độ miễn dịch lâu hơn.
Trong khi đó, liều bổ sung được sử dụng cho những người không đạt được hiệu quả bảo vệ như mong muốn dù đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản. Liều bổ sung sẽ giúp tối ưu hóa hoặc tăng cường đáp ứng miễn dịch ở những đối tượng này. Những người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như người lớn tuổi, bệnh nhân ung thư, người từng cấy ghép nội tạng.... là những đối tượng thường được cân nhắc tiêm liều vaccine bổ sung.
Các loại vaccine cần tiêm liều tăng cường
Trên thực tế, không phải loại vaccine nào cũng cần tiêm liều tăng cường. Vaccine sống giảm độc lực chứa các mầm bệnh còn sống nên có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài. Do vậy, chỉ cần liều cơ bản (1 - 2 mũi) là đã đủ để bảo vệ cơ thể trọn đời khỏi các tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, một số loại vaccine khác như vaccine bất hoạt, vaccine mRNA, vaccine tiểu đơn vị... lại cần tiêm thêm liều tăng cường để kéo dài thời gian phòng bệnh.
Dưới đây là một số vaccine cần tiêm liều tăng cường:
- Vaccine cúm
- Vaccine viêm gan A
- Vaccine viêm gan B
- Vaccine ngừa vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (Hib)
- Vaccine uốn ván - bạch hầu - ho gà kết hợp
- Vaccine zona
- Vaccine ngừa phế cầu khuẩn
- Vaccine bại liệt
- Vaccine viêm não Nhật Bản
Hiện nhiều quốc gia cũng đang triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 để giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt khi ngày càng có nhiều biến chủng của SARS-Cov-2 xuất hiện và lây lan nhanh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 tại Bệnh viện St Thomas vào ngày 2/12/2021. Ảnh: Reuters
Dù cùng phòng ngừa một tác nhân gây bệnh cụ thể nhưng mỗi vaccine sẽ được bào chế theo một công nghệ khác nhau. Vì vậy, có vaccine sẽ cần tiêm liều nhắc lại, có vaccine lại không cần. Người tiêm chủng cần xác định rõ loại vaccine mình sử dụng có cần phải tiêm thêm liều tăng cường hay không và tuân thủ việc tiêm ngừa để có được hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
Anh Chi (Theo HHS, Webmd)