4 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, một số quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới.
Thống kê của WHO đến ngày 27/9, số ca nhiễm mới được báo cáo trong tuần từ ngày 18 đến 24/9 là 125 ca mắc, tăng 71,2% so với tuần từ ngày 11 đến 17/9. Phần lớn ca bệnh được báo cáo trong 4 tuần từ khu vực Tây Thái Bình Dương với 51,9% và khu vực Đông Nam Á với 18,1%.
Vaccine được coi là vũ khí chính chống lại đậu mùa khỉ, hiện thế giới có 4 loại gồm:
Jynneos
Đây là vaccine ngừa đậu mùa khỉ duy nhất trên thế giới, chỉ có một nhà sản xuất cung ứng ở châu Âu là Bavaria Nordic (Đan Mạch). Sau đợt bùng phát đậu mùa khỉ vào mùa xuân năm 2022, các nước giàu đã đổ xô đến Bavarian Nordic của Đan Mạch để có được vaccine. Các hợp đồng trị giá hàng triệu USD cho phép các quốc gia giàu nhất thế giới đứng hàng đầu trong danh sách cung ứng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ, vaccine Jynneos được cấp phép với phác đồ tiêm hai liều cách nhau 28 ngày, dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Vaccine dự kiến cho khả năng miễn dịch cao nhất sau khi tiêm liều thứ hai 14 ngày. Hiện vaccine được phép lưu hành tại Mỹ, Canada, châu Âu.
LC16m8
Đây là vaccine đậu mùa giảm độc lực, được Nhật Bản nghiên cứu kể từ khi WHO có chiến dịch thanh toán bệnh đậu mùa trên toàn thế giới và cấp phép từ năm 1975. Hiện vaccine sử dụng cho trẻ em và người lớn.
Theo Nature, trong thử nghiệm, một mũi tiêm vaccine này trên linh trưởng cho thấy hiệu quả bảo vệ lâu dài chống lại virus đậu mùa khỉ, một số thử nghiệm khác cho thấy vaccine an toàn và hiệu quả hơn trên người bị suy giảm miễn dịch. Chính quyền Nhật Bản đã mở rộng phạm vi chỉ định cho loại vaccine này để chống lại bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 8/ 2022.
Acam2000
Vaccine được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để chủng ngừa bệnh đậu mùa, sau đó được mở rộng chỉ định để ngăn đậu mùa khỉ. Vaccine được tiêm một liều duy nhất, dùng cho người từ một tuổi trở lên. Theo nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England ngày 21/9, vaccine đậu mùa được tiêm từ hơn 10 năm trước có hiệu quả bảo vệ từ 72 đến 75% đối với bệnh đậu mùa khỉ khi nghiên cứu trên hơn 1.000 quân nhân.
BNT166
Tháng 9, BioNTech công bố sẽ thử nghiệm vaccine BNT166 ngừa đậu mùa khỉ từ giai đoạn đầu, với khoản tài trợ lên tới 90 triệu USD từ Liên minh Đổi mới sẵn sàng phòng chống dịch bệnh (CEPI). Thử nghiệm giai đoạn đầu sẽ diễn ra trên 196 bệnh nhân khỏe mạnh, chưa tiêm phòng đậu mùa hoặc nghi mắc trước đó.Hiện chưa có nhiều thông tin về vaccine này. Theo BioNTech, vaccine được bào chế dựa trên công nghệ mRNA, tương tự vaccine Covid-19.
Tình hình cung ứng vaccine trên thế giới
Nhiều quốc gia chưa cấp phép hoặc không tiếp cận với vaccine đậu mùa khỉ, chọn cách tự xoay sở bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hiện ca bệnh sớm, cách ly, điều trị... Lý do là nguồn cung vaccine đậu mùa khỉ hiện rất hạn chế. Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (Gavi) đánh giá nguồn cung ứng vaccine đậu mùa khỉ gần như hoàn toàn thuộc về các nước thu nhập cao, các quốc gia có thu nhập thấp hơn không thể tiếp cận với vaccine. Ví dụ Mỹ đã hủy bỏ 20 triệu liều vaccine Jynneos hết hạn mà không chia sẻ với quốc gia nào khác, dự trữ 100 triệu liều Acam2000 tính đến tháng 5.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi vẫn chưa nhận được liều vaccine đậu mùa khỉ nào, dù có lịch sử hàng chục năm đối mặt với dịch bệnh này. Tiến sĩ Ahmed Ogwell Ouma, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, có trụ sở tại Addis Ababa, Ethiopia, cho biết vào tháng 5 về tình trạng mua vaccine đậu mùa khỉ: "Ngay cả khi chúng tôi muốn mua thì cũng không có nơi nào để mua do số lượng sản xuất khiêm tốn và các quốc gia còn mua dự trữ, trong khi ở những nơi thực sự cần ở châu Phi không có khả năng tiếp cận".
Châu Phi hiện cố gắng cải thiện tình huống bằng các tự sản xuất các loại vaccine cần thiết. Đối với việc phát triển vaccine mới BNT166, nhà sản xuất cho biết mong muốn tăng khả năng tiếp cận công bằng các loại vaccine ở nhiều quốc gia.
Chi Lê (Theo Gavi, Reuters, LA Times)