Cuộc chiến trả đũa bắt đầu từ tuần trước, khi Bộ Giao thông Mỹ phàn nàn rằng giới chức Trung Quốc khiến các hãng hàng không Mỹ "không thể" bay qua lại giữa hai nước. United Airlines và Delta Air Lines muốn khôi phục tuyến bay tới Trung Quốc vào đầu tháng 6 và đã nộp đơn xin phép lên Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC). Cũng như các hãng bay khác, hai hãng này đã ngừng dịch vụ bay đến Trung Quốc hồi tháng 2, do nhu cầu lao dốc vì đại dịch.
Giới chức Mỹ cho biết CAAC vẫn chưa trả lời đề nghị của United và Delta về việc khôi phục hoạt động. Từ trước đó, nhằm ngăn các ca bệnh nhập khẩu, CAAC đã yêu cầu tất cả hãng sử dụng lịch bay trong tuần 16-22/3 để làm tiêu chuẩn quyết định số chuyến bay đến Trung Quốc cho đến khi có thêm thông báo. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các hãng bay Mỹ "đã ngừng hoàn toàn dịch vụ chở khách đến Trung Quốc", Bộ Giao thông Mỹ cho biết.
Các ca nhiễm mới tại Trung Quốc gần đây giảm mạnh, và phần lớn là người trở về từ nước ngoài. Vì vậy, nước này lo ngại số ca nhiễm sẽ lại tăng vọt nếu khôi phục lượng lớn chuyến bay quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia như Mỹ - nơi có số ca tử vong gần 100.000 và số ca nhiễm hơn 1,6 triệu.
Trong khi đó, một số hãng bay Trung Quốc vẫn tiếp tục bay tuyến này trong suốt đại dịch. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã hạn chế mỗi hãng chỉ được bay một chuyến mỗi tuần sang Mỹ.
Giới chức hàng không Trung Quốc đã nói với quan chức Mỹ rằng họ đang cân nhắc gỡ bỏ tiêu chuẩn tháng 3. Tuy nhiên, việc hạn chế chỉ một chuyến mỗi tuần đến Trung Quốc vẫn sẽ được áp dụng với các hãng bay Mỹ. Việc này được cho là vi phạm một thỏa thuận về vận tải hàng không giữa hai quốc gia.
Đáp trả, Bộ Giao thông Mỹ thứ sáu tuần trước đề nghị các hãng Trung Quốc bay đến Mỹ phải trình lịch bay cho chính phủ Mỹ, với đầy đủ chi tiết từ loại máy bay sử dụng, tần suất mỗi chuyến, sân bay tại mỗi điểm dừng và thời gian đi đến.
Sau đó, Bộ này sẽ quyết định chuyến bay "có đi ngược với luật pháp hiện hành hay lợi ích của cộng đồng hay không". Các hãng bay Trung Quốc, gồm Air China, China Eastern, China Southern và Hainan Airlines đều phải nộp thông tin chậm nhất là ngày 27/5.
Bắc Kinh hôm qua đã lên tiếng phản đối. "Trung Quốc phản đối bất kỳ biện pháp nào của Mỹ nhằm gây gián đoạn hoặc hạn chế hoạt động chở khách thông thường của các hãng hàng không Trung Quốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ.
Zhao cũng phủ nhận cáo buộc của Washington rằng Trung Quốc đang ngăn các hãng bay Mỹ hoạt động tại nước này. Zhao khẳng định các biện pháp của Trung Quốc là "cởi mở, công bằng và minh bạch".
CAAC còn muốn các hãng bay Mỹ chịu trách nhiệm nếu bất kỳ hành khách nào trên các chuyến bay của họ dương tính với nCoV, một nguồn tin thân cận cho biết. Việc này cũng được cho là vi phạm thỏa thuận về vận tải hàng không giữa hai quốc gia.
Các hãng bay Trung Quốc cũng đã nộp số lượng kỷ lục đơn xin phép cho các chuyến bay thuê riêng. Những chuyến bay này được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhằm đưa sinh viên Trung Quốc về nước. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận cho biết các chuyến bay này cũng chở khách thương mại đến và đi khỏi Mỹ. Các hãng bay Mỹ được thông báo rằng chỉ hãng bay Trung Quốc được cung cấp các dịch vụ hồi hương này.
Người phát ngôn của United chỉ cho biết hãng bay muốn khôi phục các chuyến bay chở khách giữa Mỹ và Trung Quốc "khi điều kiện chính sách cho phép chúng tôi làm điều này". Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây gia tăng, do Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin dịch bệnh và phản ứng chậm chạp, khiến Covid-19 lan ra toàn cầu.
Trung Quốc là thị trường quan trọng với các hãng hàng không Mỹ, John Grant - nhà phân tích tại OAG nhận xét. Tháng 5/2019, Trung Quốc là thị trường hàng không lớn thứ 6 của United, tính theo số ghế máy bay, và là thị trường lớn thứ 9 của Delta. Năm ngoái, Forbes cho biết United ghi nhận 40,8 tỷ USD doanh thu, với 4% từ Trung Quốc. Trong khi đó, Delta cũng có 4% trong 43 tỷ USD doanh thu từ thị trường này.
Hà Thu (theo CNN)