Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết sẽ bổ sung 33 doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc vào "danh sách đen" kinh tế vì giúp Bắc Kinh theo dõi người Duy Ngô Nhĩ hoặc liên quan đến vũ khí hàng loạt và quân đội nước này.
Động thái này đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump để trấn áp các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang muốn áp đặt luật an ninh quốc gia với Hong Kong. Bị đưa vào "danh sách đen", các doanh nghiệp, tổ chức này sẽ bị hạn chế mua hàng hoá Mỹ, giới hạn sản xuất một số mặt hàng ở nước ngoài với công nghệ Mỹ.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, 7 doanh nghiệp và 2 tổ chức vi phạm luật nhân quyền, giam giữ hàng loạt trái phép và giám sát bằng công nghệ cao với người Duy Ngô Nhĩ. Hơn hai chục công ty, tổ chức chính phủ và tổ chức thương mại cũng bị Mỹ liệt kê vào "danh sách đen" vì hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc mua thiết bị.
Các doanh nghiệp trong "danh sách đen" chủ yếu trong mảng trí tuệ nhân tạo và nhận diện khuôn mặt. Đây cũng là hai thị trường các doanh nghiệp Mỹ như Nvidia và Intel đã đầu tư rất lớn.
Trong "danh sách đen" lần này có NetPosa – doanh nghiệp AI nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc. NetPosa có công ty con về nhận dạng khuôn mặt liên quan đến giám sát người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Doanh nghiệp sản xuất chip lập trình Xilinx cho biết ít nhất một khách hàng của họ có tên trong "danh sách đen". Tuy nhiên, Xilinx dự đoán tác động đến hoạt động kinh doanh không đáng kể.
"Xilinx nhận thức được những bổ sung vào "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ và đang đánh giá bất kỳ tác động nào. Chúng tôi tuân thủ mọi quy tắc và quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ", doanh nghiệp Trung Quốc nói.
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung 28 doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc vào "danh sách đen" cũng do liên quan đến việc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Quan hệ Mỹ - Trung từ đầu năm nay lại xấu đi khi Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19. Mới đây nhất, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải chứng minh họ không chịu sự kiểm soát của một chính phủ nước ngoài hồi giữa tuần.
Nếu không chứng minh được, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán Mỹ. Điều này có nguy cơ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc như Alibaba hay Baidu bị hủy niêm yết trên sàn New York và Nasdaq.
Tú Anh (theo Reuters)